- Một tàu Trung Quốc xuất hiện tại thời điểm hai cáp bị đứt;
- Sự cố này có thể là một hành vi phá hoại;
- Thụy Điển đang xem xét vai trò của tàu Trung Quốc trong vụ việc.
Tờ Sydney Morning Herald (SMH) ngày 20/11 trích dẫn báo cáo từ nhóm theo dõi hàng hải Marine Traffic đưa tin, Yi Peng 3 - một tàu chở hàng đăng ký của Trung Quốc - đang trên đường từ cảng Ust-Luga của Nga đến Port Said ở Ai Cập, đi qua khu vực gần cả hai cáp Thụy Điển-Litva và Phần Lan-Đức vào thời điểm hai tuyến cáp này bị đứt vào các ngày 17 và 18/11 (giờ địa phương).
Đài phát thanh công cộng Thụy Điển SVT và một số hãng truyền thông Phần Lan đưa tin rằng, hai tàu hải quân Đan Mạch đã bám theo tàu Yi Peng 3 khi nó rời khỏi biển Baltic vào ngày 19/11.
Bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi vụ đứt cáp là Phần Lan, Đức, Litva và Thụy Điển đều đã tiến hành điều tra. Tờ Financial Times (Anh) đưa tin rằng, Thụy Điển đang xem xét vai trò của Yi Peng 3 trong vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin trả lời hãng tin AFP (AFP) bằng văn bản rằng "cần phải làm rõ lý do tại sao hiện tại chúng ta có hai tuyến cáp ở Biển Baltic không hoạt động".
Ông Bohlin cho biết chính quyền Thụy Điển đang điều tra các tàu thuyền hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó.
"Lực lượng vũ trang và lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện ra sự di chuyển của tàu thuyền trùng khớp về mặt thời gian và không gian với thời điểm xảy ra sự cố", ông nói.
Theo SMH, cuộc điều tra mới nhất diễn ra một năm sau khi mỏ neo của một tàu Trung Quốc khác - tàu container NewNew Polar Bear - làm hỏng đường ống dẫn khí đốt Baltic giữa Phần Lan và Estonia. Giống như Yi Peng 3, NewNew Polar Bear đã khởi hành từ một cảng của Nga trước khi xảy ra sự cố.
Yi Peng 3 thuộc sở hữu của Ningbo Yipeng Shipping. Công ty này chỉ sở hữu thêm một tàu khác và có trụ sở gần thành phố cảng Ninh Ba ở miền đông Trung Quốc, tờ Financial Times đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng họ không thể liên lạc với công ty.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển trả lời Financial Times rằng họ không có thông tin về vấn đề liên quan, còn Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan không phản hồi đề nghị bình luận.
"Không ai tin những sợi cáp này bị cắt một cách tình cờ"
Trước đó, AFP đưa tin nhà điều hành viễn thông Phần Lan Cinia hôm 18/11 cho biết rằng "cáp ngầm C-Lion1" nối Helsinki và cảng Rostock của Đức đã bị cắt ở phía nam đảo Oland thuộc vùng biển Thụy Điển, cách Helsinki khoảng 700 km.
Người phát ngôn của Cinia nói: "Những vụ đứt cáp như thế này không thể xảy ra ở vùng biển này nếu không có tác động từ bên ngoài."
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Phần Lan Elina Valtonen cho biết sự cố này có thể là một hành vi phá hoại.
"Việc một sự cố như vậy ngay lập tức làm dấy lên nghi ngờ về hành vi phá hoại cố ý cho thấy sự bất ổn của thời đại chúng ta", họ cho biết trong một tuyên bố chung vào cuối ngày 18/11.
"An ninh châu Âu của chúng ta không chỉ bị đe dọa bởi cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine mà còn bởi chiến tranh hỗn hợp của các thế lực thù địch", tuyên bố cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 19/11 cho biết rằng việc đứt hai tuyến cáp viễn thông trong vòng 24 giờ có khả năng là hành động phá hoại.
“Không ai tin những sợi cáp này bị cắt một cách tình cờ... Do đó, chúng tôi phải tuyên bố, mà không biết cụ thể là ai, rằng đó là hành động ‘hỗn hợp’”, ông Pistorius nói. “Và chúng tôi cũng phải thừa nhận, mà chưa biết, rằng đó là hành động phá hoại.”
Audrius Stasiulaitis - người phát ngôn của nhà điều hành viễn thông Telia chi nhánh Litva hôm 19/11 cho biết rằng tuyến cáp ngầm "Arelion" giữa đảo Gotland của Thụy Điển và Litva cũng đã bị hư hỏng kể từ ngày 17/11.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng sự gián đoạn lưu lượng truy cập internet không phải do lỗi thiết bị mà là do hư hỏng vật liệu ở cáp quang", ông Stasiulaitis nói.
Telia cho biết khách hàng không bị ảnh hưởng vì lưu lượng truy cập internet đã được chuyển hướng đến các liên kết quốc tế khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển và Litva cho biết họ "vô cùng quan ngại" về vụ việc.
"Những tình huống như thế này phải được đánh giá trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng do Nga gây ra ở khu vực lân cận của chúng ta", họ cho biết trong một tuyên bố chung.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết EU "phải tận dụng tối đa chế độ trừng phạt mới nhất của mình đối với hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy".
Theo AFP, các nước châu Âu đang sử dụng thuật ngữ "chiến tranh hỗn hợp" ngày càng nhiều để mô tả các hành động mà họ tin là có liên quan đến Nga.
Theo SMH, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ trực tiếp cho “cỗ máy chiến tranh” của Nga bằng cách cung cấp cho Nga những mặt hàng lưỡng dụng, giúp Moscow duy trì cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, hầu như không có cuộc thảo luận công khai nào về hoạt động của các tàu Trung Quốc ở Biển Baltic.
Hữu Hiển