Vay tiền cố tình chây ì không trả: Người dân sẽ phải đối mặt với án tù?

2022-06-13 15:09:40
Với những người dân vay tiền các tổ chức, công ty tài chính, tín dụng nhưng đến thời hạn trả tiền cố tình né tránh, bỏ trốn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo các Luật sư, mức nhẹ nhất là xử phạt hành chính, còn nặng hơn, người dân sẽ phải đối mặt với án tù.

Pháp luật có quy định xử lý nghiêm khắc

Dịch Covid -19 kéo dài, giá cả leo thang khiến đời sống của nhiều người dân gặp khó khăn. Thiếu tiền để tiêu dùng, không ít người đã tìm đến các công ty tài chính, tín dụng để vay tiền vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn và không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều công ty, một số người dân đã tìm cách né tránh, trì hoãn việc trả nợ khi tới hạn, đẩy rủi ro về phía bên cho vay.

Nhìn nhận vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc người dân nào đó vay tiền từ cá nhân hay công ty, tổ chức tín dụng, tài chính nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết ban đầu giữa 2 bên là hành vi vi phạm pháp luật.

k1
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm

Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn”. Như vậy, Luật sư Tâm khẳng định, pháp luật đã quy định rõ nghĩa vụ của người đi vay là khi đến hạn, họ phải có nghĩa vụ phải trả nợ. Do đó, nếu bên vay không trả, thì có thể phải đối diện với hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật.

“Trường hợp đầu tiên, bên vay không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì đây sẽ là tranh chấp dân sự. Để đòi lại được tiền, bên cho vay có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để đề nghị TAND tuyên buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án đến Cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Trường hợp 2, nếu bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS hiện hành”, Luật sư Tâm nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, Luật sư Phạm Văn Thuận, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, mức xử phạt đối với người chây ì, cố tính không trả nợ cho bên vay, cho các công ty tín dụng, tài chính là rất nặng và có tính răn đe. Mức nhẹ nhất, người dân sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc trả lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

“Nghiêm trọng hơn, người vay tiền còn phải đối mặt với án phạt tù. Điều 175 “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có quy định rõ, nếu chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng”, Luật sư Thuận phân tích.

Vay tiền có trách nhiệm

Theo các Luật sư, giao dịch vay mượn là giao dịch dân sự, các bên tham gia giao dịch đều phải tuân thủ nghiêm các nội dung thỏa thuận hợp pháp. Chính vì thế cả bên cho vay và bên vay cần phải cẩn trọng khi tham gia giao dịch và khi thực hiện các nghĩa vụ của mình theo nội dung thỏa thuận.

Để tránh những rủi ro và các vấn đề pháp lý sau này, Luật sư Thuận cho rằng đối với người cho vay tiền cần thực hiện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc cho vay. Ngoài ra, đối với các công ty tài chính thì còn phải tuân thủ các quy định nội bộ, thực hiện thực chất, đầy đủ các bước từ thẩm định hồ sơ vay cho đến quyết định cho vay và sau đó là thu hồi nợ.

k2
Luật sư Phạm Văn Thuận

“Đối với người vay trước hết cần xác định rõ ràng mục đích sử dụng vốn vay, phương án trả nợ… để tránh trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, dẫn tới không có khả năng trả nợ sau này. Ví dụ như: vay chỉ để tiêu dùng hay vay để đầu tư, có khoản thu nhập để trả nợ không… Thứ hai, cần phải đọc kỹ trước các điều khoản hợp đồng mà mình sắp ký kết để biết được mình sắp ký kết cái gì, sẽ bị ràng buộc bởi điều gì.

Thứ ba, là ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, trả nợ đúng hạn để tránh bị nợ quá hạn sẽ dẫn tới phải trả thêm nhiều khoản tiền khác như: các lãi nợ quá hạn, mức phạt, lãi suất do chậm thanh toán… làm cho khoản nợ lên cao hơn rất nhiều so với việc thực hiện đúng hợp đồng vay”, Luật sư Thuận nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ thêm, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm qua, giá cả leo thang, cuộc sống của đông đảo người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong số này có không ít người là công nhân, lao động nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội. Nhu cầu vay tiền để trang trải cuộc sống sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy để tránh rơi vào vòng lao lý, người vay cần vay có trách nhiệm và chỉ vay tiền khi thật sự cần thiết.

“Nếu không tuân thủ nghĩa vụ trả nợ, người vay tiền có thể bị bên cho vay yêu cầu các cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý. Khi đó người dân có thể gặp phải những rắc rối, phiền phức không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, khi có ý định vay tiền, người dân cần tìm những địa chỉ uy tín, công ty tài chính, tín dụng đã được ngân hàng nhà nước cấp phép để được bảo vệ, tránh sập bẫy các hình thức vay tiền biến tướng theo kiểu tín dụng đen với lãi suất cắt cổ”, Luật sư Tâm nêu quan điểm.

Đình Hoàn