Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng là một chủ đề quan trọng trong chiến lược phát triển ở mỗi quốc gia, đòi hỏi các ngân hàng không chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà còn phải xem xét các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Đây là một bài toán khó, bởi theo lẽ thông thường, tăng trưởng kinh doanh thường sẽ đi kèm với hoạt động có ảnh hưởng nhất định tới môi trường, xã hội. Tuy nhiên, vì bài toán khó nên rất cần những ngân hàng tiên phong để thấy rằng, khó chứ không phải không thể.
Trong số những ngân hàng đang thực hiện ESG trên thị trường hiện nay, ACB là cái tên thường được nhắc đến như một thực tiễn khi họ đã hành động theo cả 3 chữ E, S, G từ cách nay hơn 10 năm. Định hướng phát triển bền vững được lồng ghép vào mọi hoạt động ACB, và mục tiêu lớn hơn là không chỉ áp dụng trong ngân hàng mà tham vọng rằng mô hình của ACB sẽ là nền tảng để khuyến khích các bên hữu quan thực hành ESG, nhân rộng mô hình này đến nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam hơn nữa.
Định hướng này xuất phát từ những người đứng đầu ngân hàng, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy. Chủ tịch ACB từng chia sẻ: "Tại ACB, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng mỗi sản phẩm, dịch vụ hoặc sáng kiến mà chúng tôi tạo ra ngày hôm nay sẽ để lại một giá trị nhất định và là nền tảng phát triển cho mai sau".
Cam kết của ACB về phát triển bền vững cũng được sự đồng thuận cao của cổ đông. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Trần Hùng Huy cho biết, ACB sẽ cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững; tiếp tục giữ vững vị trí Top 3 ngân hàng tư nhân về thị phần và khả năng sinh lời. Bởi lẽ đó, ACB luôn chủ động đóng góp vào sự phát triển mang tính lâu dài của kinh tế và xã hội.
Trong chiến lược phát triển bền vững, các hoạt động thực thi trách nhiệm với xã hội của ngân hàng là một mảnh ghép hết sức quan trọng. Khi ngân hàng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đóng góp tích cực vào ngân sách, họ không chỉ tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng mà còn xây dựng được uy tín và niềm tin từ khách hàng. Điều này cũng giúp ngân hàng duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Và khi các ngân hàng hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận, họ không chỉ nộp thuế cao hơn mà còn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Điều này góp phần vào việc tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, từ đó nhà nước có thêm nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, và cơ sở hạ tầng.
Mới đây, ACB là một trong những ngân hàng nổi bật góp mặt vào danh sách PRIVATE 100 – Danh sách các doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam. Danh sách này nhằm tôn vinh và lan tỏa tinh thần phụng sự đất nước của các doanh nghiệp. Cụ thể, ACB xếp trong Top 3 ngân hàng tư nhân và Top 10 trong danh sách PRIVATE 100 với số tiền đóng góp vào Ngân sách Nhà nước (bao gồm thuế phí) trong năm 2023 là 5.214 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2023 không phải là lần đầu tiên ACB nằm trong danh sách những doanh nghiệp tư nhân có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Trong 3 năm gần nhất (2021-2023), tổng cộng ACB đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 10.800 tỷ đồng. Mức nộp ngân sách cũng tăng liên tục, năm 2023 cao gấp đôi năm 2022 và hơn gần 70% so với năm 2021.
Trong khả năng tài chính của mình, ACB cũng liên tục đẩy mạnh các hoạt động tài trợ giáo dục, xây dựng nhà tình thương, cơ sở vật chất, trường học và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Năm 2023, ACB đã dành ngân sách hơn 10,9 tỷ đồng cho các hoạt động cộng đồng xã hội như tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên; tài trợ 890 suất học bổng và quà tặng cho hoạt động giáo dục; xây dựng nhà tình thương, cơ sở vật chất, trường học;…
Có thể thấy, đóng góp vào ngân sách nhà nước cùng các hoạt động xã hội của ACB có xu hướng tăng lên theo từng năm. Để làm được điều này, bản thân ngân hàng bắt buộc phải có một nền tảng tài chính vững chắc. Đó cũng chính là điều mà ACB luôn nhấn mạnh, phải cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững. ACB cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi cho thấy được sự linh hoạt và hiệu quả trong chiến lược hoạt động, giúp mang đến kết quả kinh doanh lành mạnh.
6 tháng đầu năm 2024, ACB gây ấn tượng với mức tăng trưởng tín dụng đạt tới 12,8%, gấp hơn 2 lần mức trung bình toàn ngành. Trong nhóm ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao, ACB là trường hợp ngoại lệ khi có tăng trưởng tốt dù nhu cầu vay vốn tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh đều ghi nhận giảm trong thời gian qua. Nhìn sâu hơn, ACB đã cân bằng tăng trưởng tín dụng ở cả hai phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, đều tăng 13% trong 6 tháng đầu năm.
Theo thống kê ACB là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao thứ 3 toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ACB nửa đầu năm đạt gần 10.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 48% kế hoạch cả năm.
Các mảng kinh doanh chính như thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ đều có lãi khả quan, tăng trưởng lần lượt 11% và 13% so với cùng kỳ. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23,4%, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,3%, đều thuộc nhóm vượt trội trên thị trường.
Về chất lượng tài sản, ACB tiếp tục trong nhóm dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức 1,48%. Tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) ở mức 58% và 98% các khoản vay có đảm bảo. Quan điểm cho vay thận trọng, có chọn lọc và quản trị rủi ro chặt chẽ đã giúp ACB liên tục duy trì trong nhóm ngân hàng có bảng cân đối kế toán lành mạnh nhiều năm liên tiếp.
Các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của cơ quan quản lý cũng được đảm bảo. Trong đó, tỷ lệ cho vay/huy động ở mức 82,2% (so với yêu cầu tối đa 85%), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 17,6% (so với yêu cầu tối đa 30%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II là 12%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 8%.
Năm 2023, ACB đã được Fitch Ratings xếp hạng BB-, Moody's duy trì mức Ba3 dựa trên chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, năng lực quản trị rủi ro. Fitch nhận định ACB có chất lượng khoản vay tốt, hồ sơ tín dụng ổn định khi tập trung vào cho vay mảng bán lẻ. Moody’s cũng đánh giá cao ACB về năng lực tài chính với khả năng sinh lời, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp một vượt yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước.
Với những kết quả đạt được, ACB ngày càng được công nhận là một ngân hàng uy tín hàng đầu Việt Nam trong mắt cổ đông, khách hàng và nhân viên. Nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho ngân sách nhiều nhất năm 2023 do CAFEF công bố không chỉ là minh chứng cho năng lực kinh doanh của ACB mà còn là lời cam kết của ACB với trách nhiệm xã hội nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, ACB cũng đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cho thấy sức lan tỏa tích cực của ESG tới khách hàng, đối tác và nhân viên, khẳng định những nỗ lực trong việc "Lấy mô hình ESG của ACB làm nền tảng để khuyến khích các bên hữu quan thực hành ESG và nhân rộng mô hình này đến càng nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam" như trong Báo cáo ESG 2022 đã đề cập.
Vào ngày 2/8, ACB lần thứ 3 liên tiếp được xướng tên trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam - Top 50 Corporate Sustainability Awards (CSA), tại đồng thời 2 hạng mục Hoạt động CSR nổi bật (tiêu chí Xã hội - Social) và Quản trị Doanh Nghiệp xuất sắc (tiêu chí Quản trị - Governance).
Ở khía cạnh thể hiện trách nhiệm của ACB đối với cộng đồng nhân viên ngân hàng, ACB đã xây dựng mô hình Work – Live – Learn để tạo nên một môi trường làm việc toàn diện, giúp nhân viên làm việc hiệu quả, sống khỏe và được học hỏi không ngừng. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ thu hút mà còn giữ chân các nhân sự tài năng thuộc nhiều thế hệ, tạo nên sự tiếp nối giá trị để phát triển bền vững, lâu dài.
Trong khuôn khổ chương trình HR Asia Awards 2024 vào tháng 8 vừa qua, ACB đã đạt giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2024" (Best Companies To Work For In Asia 2024). Đây là năm thứ 6 liên tiếp Tạp chí HR Asia - một trong những tạp chí uy tín về nhân sự tại khu vực Châu Á – vinh danh ACB với giải thưởng này. Giải thưởng chứng minh cho những bước tiến không ngừng của ACB trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển cá nhân cũng như duy trì các tiêu chuẩn cao về quản lý và phúc lợi nhân sự. Những doanh nghiệp như ACB đang góp phần xây dựng và phát triển một môi trường làm việc ngày càng tốt hơn trên thị trường.
ACB cho biết, trong tương lai, ngân hàng vẫn kiên định với phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại nhiều giá trị hơn cho các bên hữu quan. Dù chặng đường thực hiện ESG nhiều thách thức, ACB luôn nỗ lực và tự hào là một trong những ngân hàng tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững chung của đất nước.