3 tháng mới tìm ra bệnh
Người bệnh N.Q.T (69 tuổi, quê Hải Dương) có tiền sử bệnh đái tháo đường, huyết áp cao. Từ tháng 6/2024, bệnh nhân đã bị đau nửa mặt, đau răng và nhổ răng số 6. Sau đó, người bệnh liên tục sốt cao, đau nhức mặt, hàm, đau đầu, đã đi khám và điều trị các chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, thần kinh tại nhiều nơi.
Đến ngày 30/9/2024, người bệnh đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau vùng mặt bên phải và có áp xe phổi kèm theo.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, theo dõi từng chỉ số. Bệnh nhân được xác định bị nhiễm nấm đen gây tổn thương nghiêm trọng và hoại tử một phần não và vùng xoang mặt.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay sau 3 tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân mới được chẩn đoán đúng bệnh.
Tình trạng nhiễm nấm đen của bệnh nhân đã thâm nhập sâu vào phổi, các xoang mặt và não, gây áp xe phổi, hoại tử một phần não và xoang mặt.
Bệnh nhân được hội chẩn toàn viện, đã được các bác sĩ phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật tai mũi họng kết hợp mổ để cắt bỏ phần mô hoại tử ở não và xoang. Hiện nay, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi và tiếp tục điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhiễm nấm đen (black fungus) hay còn gọi là Mucormycosis là một nhiễm trùng nặng do nấm xâm nhập vào các mô sâu trong cơ thể gây tổn thương nhồi máu và hoại tử mô, tạo thành bệnh cảnh phá hủy xoang, gây áp xe não, áp xe phổi.
“Nấm đen thường phát triển vào mùa hè thu, tạo ra hàng triệu bào tử bay lơ lửng trong không khí và phát triển trong môi trường ẩm thấp, yếm khí. Nấm đen đặc biệt nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là khi bệnh nhân không được điều trị đầy đủ”, PGS.TS.BS Cường cho hay.
Đường lây truyền của nấm đen
Theo PGS.TS.BS Cường, các bào tử nấm đen có sẵn trong không khí, trên các bề mặt tiếp xúc, đặc biệt là những chỗ ẩm ướt, đất bùn, khu trang trại có phân gia súc, gỗ, cây lá, hoa quả thối rữa, ẩm mục. Nấm lây truyền vào cơ thể người qua 2 con đường: qua đường thở, hít phải các bào tử nấm đen; qua đường tiếp xúc vết thương hở như vết đứt tay, vết xước sâu, vết cào, các vết thương khác…
Nấm đen có thể thâm nhập vào phổi, vào các xoang hàm mặt và lây lan lên mắt, não, hoặc thâm nhập vào niêm mạc đường tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, nấm đen còn thâm nhập vào đường máu, ảnh hưởng đến các cơ quan đích như não, tim, lách. Các cơ quan bị nấm đen thâm nhập có khả năng bị tắc mạch hoại tử và bị phá hủy nhanh chóng.
PGS Cường cho hay triệu chứng nhiễm nấm đen là đau đầu, đau các xoang hàm mặt, sưng một bên mặt, đau sưng nề một bên mắt, mất khứu giác, sốt, ho và khó thở, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết dạ dày. Bệnh nhân có những tổn thương màu đen đặc trưng trên da, xoang, mắt kèm phù nề tấy đỏ mô xung quanh.
Phòng ngừa bệnh nấm đen
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo nấm đen là bệnh mới nổi tại Việt Nam sau Covid – 19. Do đó, bệnh dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với nhiễm trùng do các vi khuẩn khác. Bệnh đòi hỏi bác sĩ khám ban đầu phải có nhiều kinh nghiệm trong nhận biết tổn thương, chẩn đoán và điều trị nấm đen.
Vào năm 2022, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị 20 ca nhiễm nấm đen, năm 2023 là 30 ca và tính đến hết quý 3 năm 2024 đã tiếp nhận gần 40 ca. Số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng với bệnh cảnh cũng hết sức phức tạp.
Để ngừa bệnh nấm đen, người dân nên:
- Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, công trường, nông trường, nông trại.
- Vệ sinh môi trường những nơi bão lũ, thiên tai, những nơi có phân gia súc, hoa màu, cây cối bị mục.
- Chú ý phòng hộ ủng đi chân, găng tay, quần áo bảo hộ khi tham gia lao động trong môi trường nêu trên.
- Vệ sinh nhà cửa và thân thể sạch sẽ. Môi trường sống và làm việc cần thông thoáng, tránh tối tăm, ẩm thấp.
Ngọc Minh