Wall Street Journal đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn với Nga trong tương lai.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump hứa sẽ đàm phán để chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột Nga - Ukraine. Song, tới nay, ông vẫn chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về đề xuất thực tế của mình kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 5/11.
Theo Wall Street Journal, các quan chức nắm rõ về cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần trước cho biết, tổng thống đắc cử Mỹ đã lập luận rằng châu Âu nên đóng vai trò chính trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và sẽ không có quân đội Mỹ tham gia.
Đề xuất "bắt đầu bằng những cuộc thảo luận lặng lẽ giữa các quan chức Anh và Pháp về khả năng này" trước khi có sự tham gia của cả ông Trump, ông Zelensky và các chính phủ khác. Một nguồn tin cho hay, vị tổng thống đắc cử thúc giục EU yêu cầu Trung Quốc gây sức ép với Nga để chấm dứt xung đột, gợi ý việc sử dụng thuế quan làm đòn bẩy.
Các quan chức cho biết, Tổng thống đắc cử Mỹ hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho Ukraine. Các cuộc thảo luận vẫn còn ở giai đoạn đầu nên những câu hỏi về việc quốc gia nào sẽ tham gia, với bao nhiêu quân và liệu Mỹ có hỗ trợ sứ mệnh hay không vẫn chưa được giải quyết.
Các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra sau khi thành lập đội ngũ an ninh quốc gia và tiến hành các cuộc đàm phán sâu hơn với các đồng minh – và có thể cả với Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin.
Trong khi đó, theo một số quan chức, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hoặc giám sát nếu diễn ra ở Ukraine sẽ không nằm dưới sự chỉ huy của tổ chức. Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng sẽ có sự tham gia của quân đội từ các nước thành viên thuộc liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này. Họ thừa nhận không dám chắc Nga có chấp nhận điều này hay không.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã mời các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức, Italia và Ba Lan gặp tổng thống Ukraine tại Brussels để thảo luận về các đảm bảo an ninh cho nước này.
Trong khi đó, các trợ lý giấu tên cho biết, ông Trump không "gắn" với bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để chấm dứt xung đột giữa 2 nước láng giềng châu Âu và cũng "chưa suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này" trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực vào ngày 20/1/2025.
Moscow từng nhiều lần tuyên bố, việc Ukraine liên kết với NATO sẽ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.
Xung đột Nga - Ukraine hiện sắp bước sang năm thứ tư và Nga hiện chiếm ưu thế trên chiến trường với tốc độ tiến công nhanh nhất từ trước đến nay.
Giới chức Nga cho biết, nước này sẵn sàng xem xét các đề xuất của ông Trump về chấm dứt xung đột, song điều đó không có nghĩa là Moscow chấp nhận. Nga nhấn mạnh, bất cứ đề xuất hòa bình nào đều phải dựa trên các thỏa thuận đạt được tại Istanbul năm 2022 và tình hình thực tế chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 nêu ra các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine, trong đó có yêu cầu Ukraine trung lập, không gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga.