Tuyến đường trị giá 17 tỷ USD (hơn 431.000 tỷ VNĐ) dự kiến trải dài 1.198 km qua Iraq, từ biên giới phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ đến phía nam Vịnh Ba Tư. Mục đích là để kết nối châu Á với châu Âu thông qua một "hành lang đường bộ và đường sắt không bị gián đoạn".
Sáng kiến đầy tham vọng này dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm, nhằm cạnh tranh với Kênh đào Suez. Tuyến đường dự kiến sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Cơ sở của dự án nằm ở Cảng Grand Al Faw của Iraq, một dự án phát triển quan trọng trên Vịnh Ba Tư. Cảng này có thể tiếp nhận các tàu thương mại lớn với độ sâu khu nước lên đến 19,5 mét, hứa hẹn sẽ nâng cao vai trò của Iraq trong thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Giao thông Iraq Razzaq Muhibis Al-Saadawi đã nhấn mạnh đến tiềm năng tiết kiệm thời gian, ước tính rằng tuyến đường này có thể rút ngắn 12 - 15 ngày vận chuyển so với Kênh đào Suez hiện tại.
Ngoài các lợi ích kinh tế, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani mô tả sáng kiến này giúp đa dạng hóa nền kinh tế Iraq vốn phụ thuộc vào dầu mỏ. Dự án cũng được coi là một bước quan trọng hướng tới hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu.
Được hậu thuẫn bởi các bên chủ chốt như UAE và Qatar, dự án này được xác định là phi chính trị và trọng tâm hoàn toàn hướng vào kinh tế. Bộ trưởng Giao thông Iraq tuyên bố chỉ khai thác lợi thế địa lý mà Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu để nâng cao hiệu quả thương mại.
Nỗ lực đầy tham vọng này nhấn mạnh tiềm năng của Iraq như một trung tâm chiến lược cho thương mại toàn cầu. Nếu thành công, dự án không chỉ nâng cao vị thế của Iraq trên trường quốc tế mà còn định hình lại bối cảnh logistic kết nối Basra với London và xa hơn.
Theo Wonderful Engineering
Anh Dũng