Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ khám, chữa bệnh tới quản trị hệ thống giúp cho người bệnh dễ dàng hơn khi trải nghiệm dịch vụ tại bệnh viện.
Những năm 2000, bên cạnh nỗi lo lắng bệnh tật, người bệnh khi đến bệnh viện phải đối mặt với tình trạng xếp hàng kéo dài từ đăng ký, thanh toán, đến chờ khám và nhận thuốc.
Có những bệnh nhân từ các tỉnh xa phải xếp hàng từ 3 giờ sáng, không chỉ mệt mỏi mà còn đối diện với rủi ro mất mát hồ sơ giấy tờ và tiền mặt. Do trong quá trình khám, chờ đợi, người bệnh có thể vô tình đánh rơi, bỏ quên hoặc bị móc túi...
ThS. Trần Văn Đức, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cùng đội ngũ kỹ sư, nhân sự Phòng CNTT đã tìm giải pháp để hệ thống hỗ trợ tốt nhất, tối đa đến người bệnh và đội ngũ y bác sĩ.
Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều phần mềm, bao gồm: Phần mềm hỗ trợ khám chữa bệnh: Khám bệnh ngoại trú, bệnh án điện tử; Phần mềm quản lý hành chính: Văn phòng điện tử, quản lý tài sản; Ứng dụng tiện ích người bệnh: UMC Care, UMC Health giúp đặt khám và tra cứu hồ sơ trực tuyến; Phần mềm quản trị bệnh viện: Hỗ trợ lãnh đạo theo dõi và phân tích hoạt động bệnh viện.
TS. BS Lê Quan Anh Tuấn – Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin với các hoạt động nổi bật như: bệnh án điện tử; hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh (PACS); số hoá quy trình chuyên môn; điều trị và chăm sóc người bệnh…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang hồ sơ điện tử ban đầu gặp khó khăn khi phải thay đổi gần như toàn bộ quy trình, thói quen làm việc của đội ngũ y bác sĩ. Nhưng để giảm mức thấp nhất việc rò rỉ thông tin của người bệnh, tránh được các trường hợp mất thông tin quan trọng do bệnh án giấy bị thất lạc, rách, ướt, nhòe chữ,… bệnh viện vẫn quyết tâm thực hiện.
Một trong những đột phá quan trọng của bệnh viện là việc triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS). Nhờ hệ thống này, các phim chụp MRI, CT-Scan, X-quang được lưu trữ trực tuyến, giúp bệnh nhân không cần mang theo phim vật lý. PACS giúp cho bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt, việc không rửa phim còn giúp giảm rác thải y tế, bảo vệ môi trường.
ThS. Trần Văn Đức chia sẻ: ”Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều ca ghép tạng như ghép gan, ghép thận, ghép tim. Nhờ hệ thống PACS mà chúng tôi có thể hội chẩn trực tuyến được bất cứ chuyên gia, bác sĩ nào ở nước ngoài.”
Bên cạnh đó, toàn bộ kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, giấy chứng nhận phẫu thuật đều được tích hợp vào ứng dụng UMC Care. Bệnh nhân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin mà không cần mang theo hồ sơ giấy tờ.
AI hỗ trợ cho bệnh nhân tốt hơn
ThS. Trần Văn Đức cho hay, trong thời gian tới đội ngũ kỹ sư Phòng CNTT tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI vào hệ thống Chatbot hỏi đáp tự động dành cho người bệnh và viên chức bệnh viện.
Trong tương lai gần, người bệnh sẽ đặt câu hỏi trực tiếp trên ứng dụng UMC Care hoặc website Bệnh viện và được giải đáp ngay lập tức, đầy đủ thông tin qua Chatbot đã được Bệnh viện đào tạo chuyên sâu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, giảm tải cho đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời mang lại sự thuận tiện và chủ động cho người bệnh trong việc tìm kiếm thông tin về sức khỏe, quy trình khám chữa bệnh, dịch vụ y tế...

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã tích hợp và ứng dụng AI trên website chính thức của bệnh viện nhằm nâng cao trải nghiệm tìm kiếm thông tin về sức khỏe của người dùng. Với sự hỗ trợ của AI, website Bệnh viện giờ đây có khả năng hiểu rõ hơn ý định tìm kiếm của người dùng.
“Khi người bệnh nhập từ khóa liên quan đến một căn bệnh cụ thể, AI sẽ điều hướng tới các bài viết liên quan trên website Bệnh viện. Tính năng này giúp người bệnh tiếp cận kiến thức y tế một cách nhanh chóng và thuận tiện, tiết kiệm thời gian tìm kiếm và sàng lọc thông tin.
Đồng thời, cũng giảm tải cho đội ngũ bác sĩ, giúp họ tập trung vào các trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, phức tạp hơn”, ThS. Trần Văn Đức nói.
Việc ứng dụng CNTT vào quản lý khám chữa bệnh giúp cho bệnh nhân đi khám dễ dàng và trải nghiệm được dịch vụ khám tốt nhất của bệnh viện. Thông tin của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận trung bình 2,5 triệu lượt người đến khám chữa bệnh, điều trị nội trú 80.000 người, phẫu thuật khoảng 30.000 trường hợp.
Ngọc Minh
Bình luận tiêu biểu (0)