Armenia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ICC
Hãng tin RBC (Nga) ngày 2/12 đưa tin, tại cuộc gặp mới đây với Chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Tomoko Akane tại The Hague (Hà Lan), Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với ICC trong việc duy trì các chuẩn mực pháp lý quốc tế và đảm bảo pháp quyền.
Đây là lần đầu tiên đại diện của Armenia tham dự kỳ họp thứ 23 của Đại Hội đồng các quốc gia thành viên ICC kể từ khi gia nhập.
"Bộ trưởng Mirzoyan đã nhấn mạnh sự sẵn sàng của Armenia trong việc tham gia vào các nỗ lực hợp tác quốc tế, nhằm duy trì các chuẩn mực pháp lý và đảm bảo pháp quyền" – Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Armenia nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc gặp, ông Mirzoyan và ông Akane đã thảo luận về cách Armenia sẽ dung hòa luật pháp quốc gia với các điều khoản trong Quy chế Rome của ICC. Hai phía nhất trí rằng, điều này là cần thiết để "giải quyết các khía cạnh mang tính thủ tục trong việc hợp tác với ICC".
RBC lưu ý, ICC vào ngày 17/3/2024 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với những lý do liên quan tới xung đột Ukraine.
Phản bác lệnh bắt giữ, Điện Kremlin tuyên bố không công nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế này. ICC thành lập năm 2002, có trụ sở tại thành phố The Hague, Hà Lan, là một cơ quan độc lập và không phụ thuộc vào Liên Hợp Quốc.
Armenia từng ký Quy chế Rome vào mùa hè năm 1998. Tới năm 2004, tòa án hiến pháp Armenia phát hiện ra các nghĩa vụ quy định trong Quy chế Rome "trái với Hiến pháp của Armenia". Tuy nhiên, 10 năm sau (2024), chính cơ quan này bất ngờ đưa ra phán quyết rằng, các điều khoản trong Quy chế Rome "không mâu thuẫn với luật cơ bản của Armenia".
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, tháng 2/2024, Armenia chính thức trở thành thành viên của ICC. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói việc phê chuẩn Quy chế Rome là hệ quả của việc "Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, và các văn bản quan hệ đối tác chiến lược Nga-Armenia không đủ để đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa bên ngoài".
Phản ứng trước động thái của Yerevan, Điện Kremlin gay gắt phản ứng rằng, Armenia "hàng động không giống một đối tác thân cận của Moscow".
"Moscow vốn coi Armenia là đồng minh, nhưng giờ đây sẽ phải đặt ra những câu hỏi về giới lãnh đạo Armenia sau vụ này" – Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù không đề cập trực tiếp tới lệnh bắt giữ ông Putin do ICC ban hành, nhưng động thái mới nhất của Armenia có thể làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã xói mòn với Nga trong thời gian qua. Nó có thể báo hiệu thêm một bước thay đổi đột ngột khác khi Yerevan trước đó từ chối hỗ trợ cuộc điều tra của ICC về xung đột Ukraine.
Đáng lưu ý, trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mirzoyan tuyên bố: "Armenia – cùng các quốc gia thành viên ICC – sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn và trừng phạt những tội ác nghiêm trọng nhất thách thức loài người, bao gồm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người".
"Công việc của Tòa án Hình sự Quốc tế có thể khiến thế giới an toàn hơn" – Ông Mirzoyan nhấn mạnh.
Yerevan có thể thâu tóm hệ thống tên lửa S-300 Nga?
Trong một diễn biến khác liên quan tới quan hệ căng thẳng Nga-Armenia, tờ Pravda (Nga) cho biết Armenia một mặt đang tìm tới phương Tây, nhưng mặt khác vẫn tìm cách thâu tóm vũ khí Nga.
Yerevan hiện đang có kế hoạch nhận một lô vũ khí Nga từ Hy Lạp, bao gồm các tên lửa phòng không S-300, Tor, Osa mà Moscow đã cung cấp ch Athens vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000.
Các cuộc đàm phán đang ở mức gần đạt tới một thỏa thuận, trong khi Armenia đang tiến gần hơn tới NATO và xa rời Nga, Pravda bình luận.
Theo Pravda, Hy Lạp vốn có ý định chuyển những vũ khí này cho Ukraine. Tuy nhiên, lý do khiến nước này quyết định quay sang Armenia khá đơn giản:
- "Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn": Armenia đang trong cuộc đối đầu lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Hy Lạp cũng có mối quan hệ căng thẳng với Ankara, dù cả hai nước đều là đồng minh của NATO. Hy Lạp và Armenia đang xây dựng mối quan hệ liên minh mà trong đó đối thủ chung của họ là Thổ Nhĩ Kỳ.
- Hy Lạp hiện không cần tới số vũ khí này. Nga đã dừng hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa trên kể từ mùa thu năm 2023 sau khi Athens quyết định chấm dứt hợp đồng bảo dưỡng. Hiện tại, các hệ thống này không hoạt động.
Về phía Ukraine, Hy Lạp nhận thấy quân đội Ukraine đã thích nghi hơn với các hệ thống phòng không phương Tây, từ mạng lưới hậu cần, bảo dưỡng cho tới hệ thống kiểm soát chung. Do đó, các hệ thống vũ khí Nga có thể sẽ tạo ra những bất tiện trong quá trình Kiev triển khai.
Theo Pravda, để đổi lại các hệ thống phòng không cung cấp cho Armenia, Hy Lạp sẽ nhận được các hệ thống có cấp độ tương tự từ Israel. Trong khi đó, bằng cách tiếp nhận vũ khí của Nga, Armenia "đang tìm cách tạo ra cơ sở tương tác sâu hơn với Moscow". Tờ báo Nga đánh giá đây là một động thái khá khó hiểu của Yerevan.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Hy Lạp phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong thỏa thuận liên chính phủ song phương về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai phía.
"Nga chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ Hy Lạp liên quan tới khả năng tái xuất khẩu thiết bị quân sự do Nga cung cấp sang Armenia. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhắc nhở các ngài tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận liên chính phủ song phương về hợp tác kỹ thuật quân sự ký ngày 30/10/1995, và về việc cung cấp các sản phẩm quân sự ký ngày 3/12/2013".
"Các thỏa thuận này đã nêu rõ việc cấm Hy Lạp tái xuất thiết bị quân sự do Nga cung cấp mà không có sự đồng ý của Nga" – Nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Minh Nhật