- Người đàn ông tình cờ phát hiện ung thư gan khi đang khỏe mạnh.
- Hành trình điều trị ung thư gan với nhiều lần tái phát bệnh.
- Bí quyết sống chung với ung thư gan trong 10 năm.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn (61 tuổi, tại Phú Yên) cách đây 10 năm, ông tình cờ phát hiện bị ung thư gan trên nền viêm gan virus B.
Trước đó, ông Sơn đã biết bản thân bị nhiễm viêm gan virus nhưng ông không nhận thức đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh. Do vậy, ông Sơn nghĩ chỉ cần vận động thể dục thể thao, nâng sức đề kháng cơ thể thì mọi việc sẽ ổn. Chính sai lầm này đã khiến ông Sơn phải trả giá đắt.
"Buổi sáng một ngày cuối tháng 5/2015, tôi đi thăm người thân ở bệnh viện. Khi về, tôi ghé qua phòng siêu âm của bác sĩ là người quen và nhờ bác sĩ kiểm tra. Nhìn hình ảnh siêu âm, bác sĩ đăm chiêu, nói rằng tôi đã mắc ung thư gan. Tôi không tin và cười nói: Bác cứ đùa, 20 năm nay em không biết bệnh là gì, chơi thể thao ầm ầm mà sao lại mắc ung thư?", ông Sơn chia sẻ.
Bác sĩ chỉ cho ông Sơn thấy khối u có kích thước 6cm ở gan. Khi đó, ông Sơn dần tái mặt, mất bình tĩnh, hoảng loạn tinh thần. Vợ ông Sơn khi nghe tin cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Sau đó, bác sĩ điện thoại cho đồng nghiệp và hướng dẫn ông Sơn làm thủ tục chuyển tuyến vào Bệnh viện Chợ Rẫy để khám chuyên sâu hơn.
Về đến nhà, ông Sơn đã tự lấy lại sự bình tĩnh để động viên mọi người trong gia đình.
"Tôi suy nghĩ, ai rồi cũng phải ra đi, chẳng qua là đi trước hay sau, sớm hay muộn. Tôi dặn các con tôi, khi điều xấu xảy ra, các con phải cố gắng hoàn thành việc học tập, làm điểm tựa vững chắc tinh thần cho bà nội, cho mẹ… Tối đó, tôi lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khám chuyên sâu", ông Sơn cho hay.
Qua 4 xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn, bác sĩ ấn định ngày mổ vào trung tuần tháng 6/2015. Trở về lại Phú Yên, sau khi biết rõ bệnh tình của ông Sơn, nhiều người thân và hàng xóm khuyên ông không nên mổ vì họ cho rằng, ung thư nếu đụng dao kéo sẽ mất mạng nhanh hơn.
Trước những lời khuyên của mọi người, ông Sơn cũng bị dao động. Nhưng sau khi liên hệ và được bác sĩ tư vấn, ông Sơn đã quyết tin tưởng vào y học hiện đại và phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.
Ca phẫu thuật của ông Sơn diễn ra thuận lợi, 7 ngày sau mổ, ông được xuất viện kèm theo giấy hẹn tái khám.
Bí quyết chung sống với ung thư gan trong suốt 10 năm
Theo ông Sơn, trong suốt 10 năm điều trị ung thư, cũng có nhiều lần bệnh tái phát nhưng nhờ phát hiện và can thiệp sớm nên sức khỏe của ông vẫn ổn định. Trong thời gian này, ông Sơn vẫn vừa theo dõi bệnh, vừa đi làm công việc tại cơ quan.
Nói về bí quyết để chung sống ổn định với căn bệnh ung thư gan, ông Sơn chia sẻ:
Thứ nhất chính là tuân thủ phác đồ điều trị: Ông Sơn hiểu rằng ung thư sẽ luôn có nguy cơ tái phát trở lại do sự phân bào của tế bào ung thư. Chính vì vậy nên người mắc ung thư phải tuân thủ lịch hẹn tái khám định kỳ của bệnh viện. Nhờ việc khám định kỳ nên trong 5 năm đầu sau mổ với 3 lần ung thư tái phát, ông Sơn đều được các bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện và can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, ông Sơn đều đặn tự đến các cơ sở y tế tư nhân để siêu âm (1 lần/tháng), kiểm tra xem gan có vấn đề bất thường nào không. Nếu có thì ông sẽ đến bệnh viện để nhờ các bác sĩ can thiệp.
Thứ hai là tinh thần lạc quan: Trong suốt quá trình điều trị, ông Sơn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Ông Sơn chia sẻ: " Yếu tố tinh thần quyết định 50% hiệu quả điều trị bệnh. Khi tinh thần suy sụp, mọi sự chuyển hoá sẽ bị hạn chế, hệ bạch cầu bảo vệ cơ thể cũng sẽ bị suy yếu".
Thứ ba là quan tâm tới dinh dưỡng: Thời gian đầu sau xử lý khối u, ăn uống khó khăn nên ông Sơn đã chia nhỏ bữa ăn 5-6 bữa/ngày và bổ sung thêm sữa... Sau khi bệnh tình dần ổn định, ông Sơn ăn uống trở lại như bình thường. Ông Sơn ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ dưỡng chất nuôi cơ thể.
Hiện nay, trong dân gian vẫn có quan điểm ăn chay để "bỏ đói" tế bào ung thư. Tuy nhiên, đó là sai lầm vì việc này có thể khiến cơ thể thiếu chất, dẫn đến suy nhược. Lúc này, cơ thể sẽ không thể chống chịu được với bệnh tật.
Thứ 4 là rèn luyện thể thao thường xuyên: Theo ông Sơn, hàng ngày ông vẫn dành thời gian cho việc tập thể dục thể thao, giúp nâng cao thể chất, tinh thần, từ đó, sức đề kháng của cơ thể cũng được cải thiện. Ông đã từ bỏ những môn thể thao đối kháng và chọn cho mình những môn phù hợp với tình trạng sức khoẻ hơn như: Đạp xe, đi bộ và bơi, lặn biển.
Ngoài ra, ông Sơn cũng rất quan tâm tới việc nghỉ ngơi, tránh thức khuya. Ông Sơn luôn đi ngủ trước 22h để gan thực hiện đào thải độc tố và tái tạo tế bào gan mới. Ông cũng tránh sử dụng bia, rượu, thuốc lá, thức ăn sẵn có nhiều chất bảo quản, thức ăn lên men…
Qua câu chuyện của bản thân, ông Sơn muốn nhắn nhủ với những người đang bị nhiễm virus viêm gan rằng nếu mắc bệnh thì cần phải quan tâm, đi thăm khám định kỳ để có giải pháp điều trị kịp thời. Việc điều trị đúng cách tình trạng viêm gan virus có thể hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển thành ung thư gan.
"Với những bệnh nhân đã mắc ung thư, mọi người hãy tin tưởng vào y học hiện đại. "Ung thư không phải án tử", mọi người nên xem nó giống như là các căn bệnh khác. Gần 10 năm qua, dù mắc ung thư nhưng tôi vẫn sống khỏe mạnh, đi làm công việc mình yêu thích…", ông Sơn nói.
Ngọc Minh