Mong muốn con cái giỏi giang, thành công là tâm lý chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Dù xuất phát từ tình yêu thương chân thành hay những kỳ vọng cá nhân, ai cũng mong con mình trở thành người ưu tú. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy, không ít phụ huynh đã đặt ra những kỳ vọng quá lớn và áp đặt con cái theo những cách thức khác nhau.
Trên mạng xã hội, thuật ngữ "gà mẹ" thường được dùng để chỉ những bậc phụ huynh quá quan tâm, can thiệp sâu vào cuộc sống của con cái, sắp xếp mọi thứ từ A đến Z và những đứa trẻ chính là những chú "gà con". Mặc dù xuất phát từ tình yêu thương song cách nuôi dạy này lại vô tình tạo ra áp lực lớn cho trẻ và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Mới đây, trên diễn đàn Baidu (Trung Quốc), hình ảnh hai em học sinh tiểu học mới 5 giờ sáng đã dậy đọc sách và đặc biệt là sau lưng mỗi em đều đeo một chiếc giá đỡ bằng gỗ đã khiến dư luận một phen xôn xao.
Bức ảnh đã được phụ huynh của hai bạn nhỏ đã đăng tải lên mạng kèm dòng caption: "Còn nhiều khó khăn hơn ở ngoài kia, nếu con không cố gắng, sẽ không có ai chờ đợi con đâu". Có thể thấy, cha mẹ của các bạn nhỏ đang bày tỏ sự tự hào, bằng chứng là những tờ giấy khen của hai em được treo kín trên tường.
Tuy nhiên, cảnh tượng này đã gây nên một tranh cãi lớn. Dù việc dậy sớm và học tập chăm chỉ là điều đáng khuyến khích, nhưng việc bắt đầu một ngày mới với lịch trình gò bó như vậy, từ việc dậy sớm đến việc đeo giá đỡ khi đọc sách thì có thực sự phù hợp với mô hình phát triển của độ tuổi này không?
Tiểu học là giai đoạn vàng để đặt nền móng cho quá trình học tập. Ở lứa tuổi này, trẻ em có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh và sự tò mò, ham học hỏi luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh không muốn bỏ lỡ cơ hội này và thường đặt ra những kỳ vọng lớn lao cho con cái.
Và với những kỳ vọng của mình, có lẽ cha mẹ của hai chị em không ngờ rằng phương pháp dạy con này của họ lại gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều cư dân mạng cho rằng việc dậy học từ lúc 5 giờ trông có vẻ là rất chăm chỉ nhưng có thể khiến con trẻ ngủ không đủ giấc mà dễ xảy ra ngủ gật trong giờ học, làm giảm hiệu quả học tập và kết quả nhận lại sẽ chỉ là những sự "nỗ lực giả tạo".
Thậm chí, có người còn thẳng thắn chỉ trích việc phụ huynh đặt quá nhiều áp lực lên con cái. Họ cho rằng những bậc cha mẹ như vậy rất ích kỷ và những yêu cầu khắt khe của họ đối với học sinh mới chỉ đang ở bậc tiểu học thực chất chỉ để thoả mãn lòng tự hào của bản thân. Nói cách khác, để con nhà mình giỏi hơn "con nhà người ta", thì họ muốn chứng tỏ mình "hiểu giáo dục" và biết cách "huấn luyện" con cái tốt hơn các bậc cha mẹ khác, mà không thực sự cân nhắc xem điều này có phù hợp với sự phát triển dưới góc độ của con cái hay không.
"Muốn con cái có tính tự giác, trước hết cha mẹ phải nhìn lại chính mình", một phụ huynh bình luận.
Nhiều bậc phụ huynh đặt ra những yêu cầu rất cao cho con cái, như phải đạt điểm xuất sắc, giỏi nhiều môn và đảm nhận các vị trí cao trong lớp. Tuy nhiên, bản thân họ lại là người không có đam mê, không cầu tiến trong công việc, hay là một người lười biếng, thiếu kiên nhẫn...Liệu có bao nhiêu phụ huynh thực sự có tính kỷ luật, tự giác và siêng năng như con cái của mình?
Không ít người cũng tỏ ra lo lắng không biết giấc ngủ của hai em có được đảm bảo hay không. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều vấn đề về tâm lý ở trẻ em, như cáu gắt, khó tập trung, giảm khả năng sáng tạo. Dân mạng cho rằng, cách nuôi dạy con của phụ huynh này rất giống với việc nuôi gà con. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào việc cạnh tranh trong quá trình học, thì họ lại tạo ra một môi trường học tập vô cùng khắc nghiệt.
Ngày nay, quan niệm giáo dục của các bậc cha mẹ hiện đại đã có những thay đổi đáng kể. Một số người có thể sẽ cho rằng phụ huynh ngày nay nuông chiều con cái quá mức, nhưng thực tế là họ chỉ không còn bó hẹp bản thân dạy con vào mỗi việc rèn luyện sự chăm chỉ, mà còn quan tâm đến cả sự phát triển toàn diện của con cái.
Có hai lý do được đưa ra để lý giải cho những thay đổi trong quan điểm của phụ huynh hiện đại:
Thứ nhất, thế hệ phụ huynh hiện nay có trình độ học vấn cao, họ hiểu rõ rằng việc nuôi dạy con cái không đơn thuần là ép buộc chúng học hành. Thay vào đó, họ tìm kiếm những phương pháp giáo dục hiệu quả và đầu tư vào nguồn lực học tập cho con.
Thứ hai, quan niệm về thành công đã thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của xã hội. Các bậc phụ huynh nhận ra rằng, ngoài việc đạt điểm cao ở trường và được thầy cô khen ngợi thì còn rất nhiều yếu tố khác quyết định sự thành công của trẻ trong tương lai.
Quan tâm đến việc học của con cái là điều cần thiết nhưng chúng ta cũng không cần phải quá khắt khe. Mặc dù cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con, thế nhưng, mọi hình thức giáo dục cũng đều cần phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Phụ huynh nên tìm kiếm một sự cân bằng giữa việc tạo động lực và tạo điều kiện thoải mái cho con học tập, tránh tạo áp lực lên trẻ.
Bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Theo Baidu
Trang Vũ