Hàng nghìn tên lửa và đạn pháo Serbia tới tay Ukraine
Theo tờ The Economist (Anh) ngày 20/9, các nước phương Tây đang tích cực thu gom đạn dược và các loại vũ khí tại khu vực Balkan, nhiều vũ khí trong số này được chuyển đến Ukraine.
Lượng xuất khẩu vũ khí của Serbia đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2020. Khoảng 800 triệu euro (890 triệu USD) đạn dược do nước này sản xuất đã được chuyển tới Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Cộng hòa Bosnia & Herzegovina gồm trong 4 tháng đầu năm 2024 gần như tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy sản xuất đạn dược của nước này đang hoạt động suốt ngày đêm.
Điều đặc biệt quan trọng đối với Ukraine và những nước ủng hộ Kiev là Serbia và Bosnia đều có khả năng sản xuất đạn dược và trang thiết bị theo cả tiêu chuẩn của Liên Xô và NATO. Bên cạnh đó, đạn dược do 2 nước này cung cấp thường có chi phí rẻ. Ví dụ, một quả đạn của Bosnia chỉ có giá bằng ¼ giá một quả đạn của phương Tây.
Cả Bosnia và Serbia đều có luật hạn chế bán vũ khí cho các vùng chiến sự, nhưng họ đã tìm ra cách giải quyết thông qua các bên thứ ba. Ví dụ, Mỹ là khách hàng trên danh nghĩa mua đạn của Bosnia, nhưng sau đó số đạn này được Washington chuyển cho Ukraine.
Serbia – mặc dù từ chối áp đặt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga – nhưng đã chuyển hàng nghìn quả đạn pháo qua Cộng hòa Czech, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt công ty bình phòng để đến tay Kiev.
Theo trang tin News.ru (Nga), các báo cáo về sự xuất hiện của vũ khí Serbia trong khu vực xung đột ở Ukraine được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 2/2023. Những bức ảnh chụp tài liệu rò rỉ được công bố qua mạng xã hội X cho thấy Kiev nhận được tên lửa do công ty Krusik (Serbia) phân phối để dùng cho hệ thống phóng loạt.
Số lượng lên tới 3.500 tên lửa cỡ nòng 122mm. Đơn vị xuất khẩu trực tiếp cho Kiev là công ty Thổ Nhĩ Kỳ Arca Savunma Sanayi Ticaret Limited. Thông tin sau đó được đăng tải trên website Bộ Quốc phòng Ukraine.
Ngoài Ukraine, tờ Economist cho biết, vũ khí của Serbia còn có xu hướng xuất hiện trong các cuộc xung đột xa hơn nữa. Trước đó, vào tháng 7 năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo rằng, họ đã tìm thấy một lượng lớn vũ khí của Serbia tại đất nước Sudan đang bị chiến tranh tàn phá.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra do BIRN - một mạng lưới phóng viên Balkan và tờ Haaretz (Israel) phát hiện thấy rằng, số lượng vũ khí của Serbia được chuyển tới Tel Aviv đã tăng vọt kể từ các cuộc tấn công do Hamas tiến hành nhằm vào Israel tháng 10/2023.
Động thái của Serbia đang khiến nhiều phía lo ngại, tiêu biểu như ông Milorad Dodik - lãnh đạo Cộng hòa Srpska (phần lãnh thổ Bosnia do người Serb thống trị) - đã công khai chỉ trích Serbia bán vũ khí cho Ukraine. Một số người Serb hiện nay đang tham gia chiến đấu cho Nga.
Theo Economist, đối với một số chính quyền khu vực, đây là cơ hội để họ giành được "uy tín chính trị" với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng, việc bán vũ khí cho Ukraine là một phần hành động nhằm cân bằng giữa phương Tây và Nga. Tuy nhiên, ông khẳng định đây cũng là "hoạt động kinh doanh tốt".
"Tôi rất mừng khi chúng tôi xuất khẩu vũ khí", ông Vucic từng tuyên bố, "đó là dòng ngoại tệ thuần túy".
Vào tháng 6 năm nay, ông Vucic cho biết, Serbia không xuất khẩu trực tiếp sang Ukraine nhưng nước này vẫn có hợp đồng với Mỹ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech...
"Sau đó, các nước này làm gì [với vũ khí nhập khẩu từ Serbia] thì đó là việc của họ" - Ông Vucic nói.
Nhà lãnh đạo Serbia lưu ý thêm rằng, xuất khẩu vũ khí là cơ hội phát triển kinh doanh ở Serbia và nước này "từ chối đứng về bất cứ phía nào trong cuộc xung đột".
Serbia vốn là đồng minh truyền thống của Nga tại Balkan. Gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/9 bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin đã khẳng định Serbia là "đồng minh của Nga". Do vậy, phát biểu của Tổng thống Serbia khiến Moscow phản ứng.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi đã nghe thấy và ghi nhận tuyên bố của ông Vucic. Nga sẽ liên lạc với những người bạn Serbia để trao đổi cụ thể về vấn đề này".
Tuy nhiên, cho tới nay, các hoạt động cung cấp vũ khí gián tiếp của Serbia tới Ukraine dường như vẫn tiếp tục.
Theo Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov, Moscow buộc phải tiếp cận cực kỳ thận trọng với bất kỳ tình huống nào có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương.
"Chúng ta không còn nhiều đối tác và bạn bè ở châu Âu, và Serbia là một trong số đó. Tôi cho rằng hiện tại không phải lúc thích hợp để Nga làm lớn chuyện này" - Ông Kortunov nói.
Hai lần từ chối ông Putin, Serbia có tính toán gì?
Theo trang tin 163 (Trung Quốc), quan hệ giữa Serbia và Nga đang làm dấy lên nhiều câu hỏi. Belgrade ngày càng cho thấy quyết tâm hội nhập với EU.
Không chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine, Tổng thống Serbia Vucic còn từ chối lời mời tham dự hội nghị các nước BRICS của Tổng thống Putin "không những một mà tới hai lần".
"Lời mời đầu tiên được ông Putin gửi tới Serbia vào cuối tháng 8, và lời mời thứ hai được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông nhưng cuối cùng đều bị ông Vucic từ chối" – 163 cho hay.
Tổng thống Vucic lấy lý do bận rộn với công việc nội bộ và cần tiếp đón khách ngoại giao quý để từ chối lời mời của Putin.
"Điều này, đối với một quốc gia lớn như Nga, quả thật là 'không nể mặt', đồng thời cũng làm u ám thêm triển vọng hợp tác tiếp theo giữa ba nước Trung Quốc, Nga và Serbia" – 163 nhận định.
Theo trang tin này, quan hệ giữa Nga, Trung Quốc và Serbia vốn rất chặt chẽ. Trên lý thuyết, việc Serbia tham gia hội nghị nhóm BRICS với Trung Quốc và Nga là thành viên sẽ càng làm mối quan hệ ba bên "thêm khăng khít". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Serbia mong muốn đất nước của ông có thể gia nhập EU hơn là tham gia BRICS.
Với việc thúc đẩy dự án khai thác lithium với EU và công khai thừa nhận việc "gián tiếp" hỗ trợ Ukraine, Serbia đã tiến gần hơn đến mục tiêu gia nhập EU. Song, 163 cho rằng, bước đi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Serbia-Trung Quốc và Serbia-Nga.
Một khi trở thành thành viên của EU, Serbia sẽ phải gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ, trong đó có vấn đề hỗ trợ Ukraine. Bên cạnh đó, với việc Serbia gia nhập EU thì khối này và NATO có thể tiếp tục đẩy lùi ảnh hưởng của Nga ra khỏi bán đảo Balkan. Đối với Nga, đây chắc chắn không phải là tin tốt.
Trong khi đó, theo 163, Trung Quốc có thể hưởng lợi "bất ngờ" nhờ việc Serbia gia nhập EU, bởi nước này có thể trở thành cầu nối cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu.
Trang tin này tiết lộ, trên thực tế, dự án khai thác lithium giữa Serbia và EU cũng cũng được Trung Quốc chấp thuận và thậm chí thúc đẩy. Trước khi dự án khai thác lithium ở Serbia được khởi công, Trung Quốc đã quyết định chuyển giao công nghệ năng lượng mới tiên tiến cho Ý (đại diện cho EU), nhằm mục đích thu hút EU, thúc đẩy hợp tác Trung-EU, hoặc ít nhất tránh việc Mỹ và EU hình thành liên minh chống Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng mới.
"Do đó, việc Serbia gia nhập EU không làm xấu đi hợp tác Trung-Serbia, ngược lại, nó có thể góp phần thúc đẩy hợp tác Trung-EU" – 163 bình luận.
Minh Minh