- Thụy Điển và Phần Lan hướng dẫn người dân cách sống sót trong chiển tranh;
- Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào Nga;
- Nga có thể trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Trang Firstpost (Ấn Độ) đưa tin, Thụy Điển hôm 18/11 đã bắt đầu gửi khoảng 5 triệu tờ rơi cho người dân, kêu gọi họ chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra chiến tranh, còn nước láng giềng Phần Lan đã ra mắt một trang web mới về hướng dẫn dân sự.
Hồi tháng 1/2024, Tướng Micael Byden - cựu Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển - đã tuyên bố công khai rằng, người Thụy Điển nên chuẩn bị tinh thần cho nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Đến tháng 3, Thụy Điển chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tư cách là thành viên thứ 32 của liên minh này, gần một năm sau Phần Lan.
Bản hướng dẫn cập nhật của Thụy Điển được phát cho người dân hôm 18/11 nêu cách ứng phó với một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học: “Ẩn nấp giống như khi bị không kích. Những nơi trú ẩn cung cấp sự bảo vệ tốt nhất. Sau một vài ngày, bức xạ sẽ giảm mạnh.”
“Không có gì bí mật khi tình hình an ninh đã xấu đi kể từ khi tờ rơi trước đó được phát hành vào năm 2018”, Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng trước.
Theo Firstpost, kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, Stockholm đã nhiều lần kêu gọi người dân Thụy Điển chuẩn bị cả về tinh thần và hậu cần cho khả năng xảy ra chiến tranh, với lý do tình hình an ninh nghiêm trọng ở khu vực lân cận. Đảo Gotland của Thụy Điển trên Biển Baltic nằm cách vùng lãnh thổ tách biệt Kaliningrad của Nga hơn 300 km.
Còn tại Phần Lan - quốc gia có chung đường biên giới trên bộ dài 1.340 km với Nga, hướng dẫn dân sự do chính phủ nước này biên soạn nhấn mạnh rằng “sự chuẩn bị là một kỹ năng dân sự trong tình hình toàn cầu hiện nay”.
Cả hai nước Bắc Âu đều kêu gọi người dân tích trữ nước uống, thực phẩm đóng hộp, thuốc men, quần áo ấm, giấy vệ sinh, tiền, đèn pin và nến. Và nếu có thể, hãy đổ đầy xăng xe. Danh sách chuẩn bị cũng bao gồm viên iốt, phòng trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.
NATO đã vượt "ranh giới đỏ"
Firstpost đưa tin, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào bên trong nước Nga, vẫn chưa rõ liệu Nga có coi những cuộc tấn công như vậy là hành động chiến tranh của NATO hay không.
Trong suốt năm nay, khi xuất hiện cuộc tranh luận xoay quanh việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào bên trong nước Nga, Điện Kremlin đã gọi sự cho phép đó là một “ranh giới đỏ”.
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng việc sử dụng vũ khí phương Tây sâu bên trong nước Nga sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột, đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Nga và NATO.
“Điều này có nghĩa là các nước NATO, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang có chiến tranh với Nga và nếu đúng như vậy, thì khi cân nhắc đến sự thay đổi về bản chất của cuộc xung đột, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi sẽ phải đối mặt”, ông Putin nói hồi tháng 9.
Theo Firstpost, phát biểu trên của ông Putin được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Keir Starmer đến Washington để gặp Tổng thống Mỹ Biden nhằm thảo luận về cuộc chiến của Ukraine với Nga, bao gồm cả vấn đề cho phép Kyiv tấn công sâu hơn.
Chính phủ Anh và Pháp đã đồng ý với ý tưởng này và muốn Washington cũng hưởng ứng trước khi “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí của Anh và Pháp để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga.
Kể từ tháng 2/2022 khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông Putin và các quan chức Nga đã liên tục cảnh báo phương Tây về hậu quả thảm khốc khi tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Học thuyết mới của Nga hiện cho phép tấn công hạt nhân vào phương Tây
Firstpost đưa tin, vài tuần sau khi Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga sẽ tham chiến với NATO nếu các cuộc tấn công sâu hơn của Ukraine bằng vũ khí phương Tây được cho phép, ông đã tuyên bố thay đổi học thuyết vũ khí hạt nhân của Nga.
Học thuyết mới mà Tổng thống Putin vạch ra đã giảm đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.
“[Học thuyết mới] đề xuất rằng hành động xâm lược Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga… Các điều kiện để Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân cũng được xác định rõ ràng”, ông Putin chỉ rõ.
Ông Putin cho biết, theo học thuyết mới, Nga có thể trả đũa bằng vũ khí hạt nhân ngay cả trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường nếu cuộc tấn công đó gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của chúng ta [Nga]".
Còn theo học thuyết trước đây, chỉ khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân mới đủ điều kiện để Nga trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Nêu rõ hơn về học thuyết mới, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ cân nhắc trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu tin rằng một cuộc tấn công xuyên biên giới hàng loạt đang được tiến hành nhằm vào Nga bằng đường không từ máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và vũ khí siêu thanh.
Firstpost nhận định, với học thuyết mới nhất của Nga, các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí của Mỹ sẽ đủ điều kiện để Nga trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Trong số các thành viên NATO, Mỹ, Anh và Pháp là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cả ba nước đều cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine và cũng vừa dỡ bỏ hạn chế, cho phép Kiev tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Hữu Hiển