Kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai-Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)
Trưa 13/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Một trong 2 văn kiện liên quan đến lĩnh vực đường sắt là Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Việc kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả hai quốc gia, bao gồm:
Tuyến đường sắt này giúp vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và tăng cường trao đổi thương mại giữa hai quốc gia.
Hơn nữa, nó tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển giữa hai nước, từ đó thúc đẩy du lịch quốc tế, đặc biệt là du lịch vùng biên giới.
Kết nối đường sắt sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ ở hai bên biên giới, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.
Hệ thống đường sắt có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn hơn so với đường bộ, từ đó giúp giảm áp lực lên các tuyến đường bộ, cải thiện an toàn giao thông và giảm chi phí vận tải.
Bên cạnh đó, đường sắt là phương tiện vận tải có mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng phát thải khí CO2 thấp hơn so với vận tải đường bộ, giúp giảm tác động xấu đến môi trường.
Dự án đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng có động thái mới
Văn kiện còn lại liên quan đến lĩnh vực đường sắt được trao trưa 13/10 là Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hài Phòng.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt trị giá hàng chục tỷ USD kết nối đôi bên là: Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km.
Dự kiến quy mô khổ đường của cả 2 tuyến này đều là 1.435mm, tốc độ 160km/h với tàu khách, 120km/h với tàu hàng. Việc triển khai 2 dự án này đang là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng kết nối Hà Nội với cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua hệ thống đường sắt xuyên quốc gia. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển so với đường bộ.
Tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo ra một hành lang vận tải và du lịch quan trọng, kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng với khu vực biên giới Móng Cái, giúp thúc đẩy xuất khẩu và nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua cửa khẩu Móng Cái.
Trước đó, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phía Trung Quốc đã trao Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa hai Chính phủ.
Hai bên cũng đã trao Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia Trung Quốc về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội.
Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và bàn giao cho Việt Nam kết quả nghiên cứu.
Các dự án đường sắt trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển khu vực, kết nối vùng, và củng cố quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong chuyến công tác tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC). Thủ tướng nhận định rằng Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD. Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
Thái Hà