Việc Tập đoàn FPT khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn tại Đà Nẵng vào ngày 27/3/2025 là một cột mốc quan trọng, không chỉ đối với tập đoàn mà còn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa khát vọng kiến tạo một "Silicon Bay", nơi ươm mầm những sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam".
Trung tâm R&D - có diện tích gần 3.000 mét vuông, đóng vai trò như hạt nhân trong hệ sinh thái công nghệ mới của Đà Nẵng - sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ảnh minh họa do AI tạo.
"Trong 5 năm gần đây, FPT đã đẩy mạnh chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến như chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Thành tựu này đã giúp chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái hơn 200 sản phẩm và dịch vụ mang dấu ấn "Made by FPT", phục vụ rộng rãi cho khách hàng trên toàn cầu. Năm 2024, hệ sinh thái "Made by FPT" đạt doanh thu 2.267 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 31% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, FPT sở hữu mạng lưới 80.000 nhân sự trên toàn thế giới, riêng tại Đà Nẵng đã có 10.000 nhân sự chất lượng cao" - Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ trong buổi khai trương Trung tâm R&D tại Đà Nẵng.
Chuyên gia đánh giá, Trung tâm R&D của Tập đoàn FPT - một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam - không chỉ kiến tạo hệ sinh thái với doanh thu hàng nghìn tỷ mà còn tạo động lực để phát triển 5 mũi nhọn cho Việt Nam, đó là:
1. Thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam
Trung tâm R&D này được thiết kế để phát triển 100% các sản phẩm công nghệ cao "Made by FPT", "Make in Vietnam", với mục tiêu ra mắt trung bình 10 sản phẩm mới mỗi năm.

"Năm 2024, hệ sinh thái "Made by FPT" đạt doanh thu 2.267 tỷ đồng"...
Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối các startup và chuyên gia trong nước lẫn quốc tế.
2. Góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
FPT đặt mục tiêu quy tụ 500 chuyên gia công nghệ tại trung tâm vào năm 2025 và không ngừng mở rộng trong tương lai.
Đồng thời, tập đoàn cũng cam kết đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Đây chính là bước đi đột phá của Tập đoàn trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu khoảng 150.000 - 200.000 nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.
Tập đoàn FPT đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030, bao gồm:
- Đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
- Đào tạo 50.000 kỹ sư AI, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ AI hàng đầu khu vực.
- Chuyển đổi 500.000 kỹ sư công nghệ thông tin sang AI, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực trong lĩnh vực này.
Cam kết này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của FPT mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghệ cao tại Việt Nam; giải quyết phần nào bài toán thiếu nhân lực công nghệ cao của nước ta.
3. Đóng góp vào chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn này là một phần trong chiến lược của Đà Nẵng nhằm đạt mục tiêu kinh tế số đóng góp 35-40% vào GRDP của thành phố vào năm 2030.
Các lĩnh vực như AI và chip bán dẫn được xem là mũi nhọn chiến lược, giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực.
4. Giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu
Việc phát triển các sản phẩm bán dẫn và công nghệ cao tại Việt Nam sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, đồng thời tăng cường khả năng tự chủ công nghệ của quốc gia. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
5. Tạo động lực cho phát triển bền vững
Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn không chỉ tập trung vào phát triển công nghệ mà còn hướng tới các giải pháp bền vững, như giảm tiêu thụ năng lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Từ đó, góp phần vào mục tiêu thế kỷ của đất nước là đạt được Nét Zero năm 2050.
Cùng với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Trung tâm R&D của Tập đoàn còn hướng tới phát triển lĩnh vực bán dẫn, từ thiết kế vi mạch, đóng gói tiên tiến (advanced packaging) đến kiểm thử (ATE testing). Đồng thời, FPT cũng triển khai các chương trình đào tạo, học bổng và việc làm cho nhân tài tại địa phương.
Trang Ly
Bình luận tiêu biểu (0)