Cho đến nay, "Tây du ký" vẫn giữ vững vị thế là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất tại Trung Quốc và khắp châu Á. Hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng trên hành trình thỉnh kinh đến Tây Trúc đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cũng nhiều người thấy tiếc khi tài năng thực sự của Trư Bát Giới chưa được khai thác đầy đủ trong bộ phim này.
Trong những chương đầu của "Tây du ký", khi thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đến nhà gia đình họ Cao, họ nhận được thông tin rằng cô con gái lớn Cao Thúy Lan đã bị bắt cóc, và kẻ bắt cóc còn để lại lời cầu hôn. Qua điều tra, Tôn Ngộ Không phát hiện kẻ chủ mưu không ai khác chính là Trư Bát Giới. Hai người sau đó giao chiến kịch liệt.
Tới khi nhận ra Tôn Ngộ Không là đồ đệ của Đường Tăng, người mà Quan Thế Âm đã định để Bát Giới phò tá, Trư Bát Giới nhanh chóng quy phục và trở thành nhị đồ đệ, cùng thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh.
Từ đó, Trư Bát Giới thường xuyên ỉ lại, đùn đẩy trách nhiệm trừ yêu diệt ma cho Tôn Ngộ Không. Điều này khiến độc giả chỉ thấy một Lão Trư lười biếng, không những vô dụng mà còn biết cách trở thành gánh nặng cho cả đoàn.
Nhưng bản lĩnh thực sự của Trư Bát Giới là gì mà được Quan Thế Âm sắp xếp trở thành nhị đồ đệ, chỉ xếp sau Ngộ Không?
Sức mạnh không thua kém ai
Trước khi bị giáng xuống trần gian, Trư Bát Giới từng là Thiên Bồng Nguyên Soái, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh trên thiên đình. Trư Bát Giới đã học được 36 phép thiên cang – một nửa số phép thuật trong bộ 108 thiên cương địa sát. Mặc dù số lượng phép thuật ít hơn so với 72 phép của Tôn Ngộ Không, nhưng sức mạnh của Trư Bát Giới không hề thua kém.
Về vũ khí, Trư Bát Giới sử dụng cây Đinh ba, hay còn gọi là bồ cào, được Thái Thượng Lão Quân đích thân rèn trong 49 ngày bằng Thần Băng Thiết. Cây vũ khí này còn được gia trì bởi nguyên thần của Ngũ Đế và nguyên linh của Cửu Thiên Ứng, biến nó thành một binh khí vô cùng lợi hại.
Dưới hệ thống cấp bậc của Đạo gia, Thiên Bồng Nguyên Soái là một trong những vị thần có địa vị cao, giữ vai trò thủ lĩnh của Tứ Thánh Bắc Cực. Nhân vật này không chỉ nắm quyền kiểm soát thiên hà mà còn chỉ huy nhiều tướng mạnh, thực lực ngang ngửa với Na Tra Thái tử.
Nhìn lại thời kỳ hoàng kim, trước khi bị đày xuống trần gian, Trư Bát Giới là một vị thần quyền lực và tài năng. Điều đó lý giải vì sao ông nhận được sự ưu ái từ Thái Thượng Lão Quân, được ban cho một vũ khí mạnh mẽ như vậy.
Sống chấp nhận thực tại, tận hưởng từ chính những điều bình thường nhất
Khi còn nhỏ, đọc "Tây Du Ký", có lẽ nhiều người trong chúng ta ao ước được như Tôn Ngộ Không – sở hữu 72 phép thần thông, có thể cưỡi mây đạp gió vượt qua ngàn dặm. Tuy nhiên, khi đã đi qua nửa đời người, chúng ta dần nhận ra rằng cuộc sống của mình thực ra giống Trư Bát Giới hơn – có một chút khả năng nhưng không tạo ra thành tựu gì lớn lao, vừa mơ mộng, vừa chấp nhận thực tại.
Sống một cuộc sống bình thường, giản dị có lẽ chính là sự phản ánh chân thực nhất về cuộc đời. Học cách chấp nhận điều đó là dấu hiệu của sự trưởng thành. Đời người chỉ vỏn vẹn trăm năm, và mọi danh vọng, phú quý rồi cũng tan biến theo thời gian.
Bình thường không chỉ là trạng thái của cuộc sống mà còn là lời đáp nhẹ nhàng, chân thực nhất cho những thăng trầm mà chúng ta trải qua.
Tâm tính tự tại, ung dung, không bị ràng buộc bởi quá khứ
Trong bốn thầy trò Đường Tăng, người có tâm Phật ít nhất không phải là Tôn Ngộ Không bướng bỉnh mà lại là Trư Bát Giới – kẻ dễ dàng bị cuốn theo dòng đời. Với Trư Bát Giới, hành trình thỉnh kinh chỉ đơn giản là một nhiệm vụ do Quan Âm giao phó.
Nhân vật này luôn khao khát cuộc sống phàm trần, náo nhiệt và hào nhoáng, hơn là thế giới thanh tịnh của Đức Phật. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành hành trình đầy gian khổ, vượt qua chín chín tám mốt kiếp nạn, Trư Bát Giới cuối cùng cũng đạt đến sự giác ngộ và được phong tặng danh hiệu "Tịnh Đàn sứ giả".
Ban đầu, Bát Giới có thể bị ép buộc theo con đường này, nhưng qua thời gian, sau những trải nghiệm khó khăn, Nhị sư huynh đã dần phát triển tâm Phật. Có lẽ, ở một giai đoạn nhất định trong cuộc đời, chúng ta cũng sẽ giống như Trư Bát Giới, đạt đến trạng thái tự tại và thăng hoa trong tâm hồn, dù bề ngoài có thể thay đổi theo thời gian.
Cuộc sống không chỉ là hiện thực, mà còn là những ước mơ và mục tiêu xa xôi mà ta theo đuổi.
Khi tuổi trung niên đến, có thể đôi lúc ta muốn buông xuôi, nhưng điều quan trọng là vẫn giữ trong lòng một dòng suối trong trẻo và ánh trăng soi sáng quãng đời còn lại. Nếu cuộc đời là một kỳ thi, thì tuổi trung niên chính là nửa sau của cuộc hành trình. Dù có những sai lầm trong quá khứ, đừng để chúng quyết định kết quả cuối cùng.
Hãy tập trung vào hiện tại, vượt qua khó khăn trước mắt, học cách buông bỏ quá khứ và tiến về phía trước.
*Nguồn: Zhihu, Sohu…
Phương Thùy