Nội dung chính
- 6 bệnh nhân cấp cứu sau chạy marathon.
- Bác sĩ chỉ ra những sai lầm khi chạy marathon.
- Lưu ý an toàn khi chạy marathon.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sốc nhiệt sau khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội.
Được biết, 6 bệnh nhân này được đưa tới viện cấp cứu trong tình trạng sốc nhiệt, rối loạn ý thức với các biểu hiện lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, chạy bộ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe cần phải được khuyến khích. Tuy nhiên, trong thời gian qua các giải chạy ở cự ly khá dài được tổ chức rầm rộ và có sự tham gia của những người không chuyên. Điều này vô tình làm nảy sinh vấn đề phi thể thao, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo đó, bác sĩ Mạnh chỉ ra một số sai lầm có thể dẫn tới những nguy hiểm cho người tham gia giải chạy.
3 sai lầm gây hại sức khỏe khi chạy marathon
1. Mới tập chạy nhưng đã thích chinh phục marathon đường dài
Thông thường những cự ly chạy dài như 21-40km thường dành cho các vận động viên chuyên nghiệp. Các vận động viên này thường có thời gian luyện tập hàng ngày, tăng dần cự ly thì mới chạy được cự ly dài.
Nhưng hiện nay, một số người chỉ mới tập chạy được một thời gian đã đăng ký tham gia các giải chạy cự ly dài 21-40km. Bác sĩ Mạnh cho rằng việc tham gia chinh phục ở một cự ly dài mà chưa có sự luyện tập trường kỳ trước đó sẽ khiến cho cơ thể không thể thích nghi với cường độ vận động cao. Điều này có thể dẫn tới những nguy cơ nghiêm trọng xảy ra với sức khỏe.
2. Không uống đủ nước và kiểm soát tốc độ
Một sai lầm thường xuyên gặp ở nhóm chạy nghiệp dư là không bù đủ dinh dưỡng, nước và không kiểm soát tốc độ trong suốt quá trình chạy. Điều này có thể dẫn tới quá sức, mất nước và khiến họ rơi vào tình trạng sốc nhiệt. 6 trường hợp được đề cập ở trên phải cấp cứu là do gặp vấn đề sốc nhiệt.
Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao đi kèm với sự sinh nhiệt của cơ thể. Đây cũng là tình trạng thường gặp ở những người không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon.
“Khi các cơ phải hoạt động một cách quá mức sẽ dẫn tới việc tự phá hủy cơ và sinh ra các độc tố lắng đọng tại thận, gây suy thận cấp. Các bệnh nhân này thường phải lọc máu cấp cứu để cứu chức năng thận”, bác sĩ Mạnh cho hay.
3. Tham gia chạy vào lúc đêm khuya
Bác sĩ Mạnh cho hay hiện nay nhiều giải chạy được tổ chức vào lúc đêm khuya. Thời điểm này chạy sẽ rất nguy hiểm vì theo sinh lý, thời gian này là giờ ngủ, máu cô đặc, nhịp tim chậm. Ngoài ra, thời tiết đêm có thể lạnh hơn, cộng thêm việc hoạt động thể chất có thể dẫn tới tình trạng quá sức, đột tử…
Làm sao để chạy an toàn?
Bác sĩ Mạnh gợi ý, một giải chạy phong trào chỉ nên tổ chức với cự ly từ 5-10km. Đối với các cự ly 21km và 40km, người tham gia cần phải có sự tập luyện thực sự nghiêm túc và lâu dài. Trước khi tham gia các giải chạy đường dài, người tham gia cần phải kiểm tra sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, theo bác sĩ Mạnh, để đảm bảo an toàn, người tham gia các giải chạy này cần lưu ý:
- Dừng lại khi cảm thấy không khỏe, không nên cố chạy vượt quá sức chịu đựng của bản thân.
- Để thích nghi với thời tiết nắng nóng, cần thời gian tập luyện.
- Tuyệt đối không chạy vào ban đêm. Khoảng thời gian chạy thích hợp và bảo đảm an toàn nên bắt đầu khoảng từ 6 giờ sáng. Nếu thời tiết có nắng thì có thể chạy sớm hơn, khoảng 5 giờ (khi trời đã sáng). Thời gian này, cơ thể đã quay trở lại nhịp sinh học bình thường phù hợp với cuộc chạy đường dài.
- Chọn trang phục được làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi và có độ thông thoáng tốt. Khi luyện tập tại nơi có ánh nắng trực tiếp, nên đội mũ để bảo vệ đầu khỏi nắng nóng.
- Đảm bảo cơ thể luôn được bù nước. Khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc.
Ngọc Minh