Theo Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, thời tiết chủ đạo tại Đà Lạt (Lâm Đồng) trong 3 ngày tới là nắng ráo vào ban ngày, mưa dông về chiều tối. Nhiệt độ cao nhất 22-24 độ C, thấp nhất 15-17 độ C, người dân đề phòng nguy cơ mưa lớn.
Nguyên nhân của đợt mưa lớn lần này tại Lâm Đồng là khu vực chịu ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp, kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ yếu đến trung bình.
Tương tự, thời tiết các tỉnh, thành phố Tây Nguyên tiếp tục diễn biến xấu trong các ngày 2-4/9. Mưa dông xuất hiện tập trung về chiều và tối kèm nguy cơ dông, gió giật có thể làm gián đoạn kỳ nghỉ của khách du lịch.
Sau trận mưa lớn chiều qua (1/9) đã làm nhiều nơi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ngập sâu, có nơi gần một mét. Nước từ thượng nguồn các con suối chảy về trung tâm Đà Lạt, dâng cao tràn lên đường Phan Đình Phùng, Trương Văn Hoàn, Tô Ngọc Vân, Cách Mạng Tháng 8…, khiến người dân bì bõm lội nước, nhiều xe chết máy. Một số nơi nước tràn vào nhà và vườn trồng khiến đồ đạc cùng hoa màu hư hại.
"Mưa lớn, nước thượng nguồn các con suối đổ về nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nước tràn vào bên trong nhà, đồ đạc phía dưới không kịp lên cao bị hư hỏng", một người dân nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đoàn (58 tuổi, đường Phan Đình Phùng) cho hay, những năm gần đây Đà Lạt hễ mưa lớn là ngập, nước dâng lên khiến đời sống người dân bị đảo lộn. Trước đây, thành phố cũng mưa, song chỉ ngập ở một số khu vực vùng thấp trũng, hay gần suối, nhưng giờ thì tràn vào các tuyến phố trong nội ô.
"Biến đổi khí hậu, xây dựng ồ ạt và nhà kính có lẽ là nguyên nhân dẫn tới hiện trạng mưa là ngập như bây giờ", ông Đoàn cho hay.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (TS.KTS) Ngô Viết Nam Sơn trao đổi với P.V VietNamNet các vấn đề xoay quanh nguyên nhân vì sao Đà Lạt mưa là ngập cũng như các giải pháp chống ngập.
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt địa hình dốc, nhiều đồi núi. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhưng lại thiếu bền vững. Chính quyền Đà Lạt đã có những đầu tư, phương án về chống ngập. Thế nhưng, để chống ngập thì người làm quy hoạch phải tính toán, dự liệu kịch bản lượng mưa, đặc biệt là những nơi vùng trũng hay khu vực có nhiều bê tông hóa, cũng như “dành không gian thoát nước”, để tránh trường hợp lượng mưa lớn đổ xuống dồn dập một khu vực và không thoát nước kịp.
“Điều này cũng là phương án phòng ngừa rủi ro cho thành phố trong đồ án phát triển chung về tương lai lâu dài”, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói và nhìn nhận rằng, nhiều người hiểu lầm chỉ vùng đất thấp mới ngập, nhưng không, vùng cao vẫn có thể ngập và thậm chí ngập nặng.
Ngoài ra, tại thành phố và các vùng lân cận việc xây nhà kính trồng rau diễn ra bừa bãi, tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng xã hội. Hệ luỵ của việc này dẫn tới mưa lớn là gây ngập (Đà Lạt có khoảng 18.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng có đến 10.000 ha nhà kính-PV). Bởi, việc quy hoạch không tốt, cùng với hoạt động của nhà kính đã che đi diện tích đất. Điều này dẫn tới khi mưa xuống, nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống, không thoát kịp thì gây ngập.
Tại miền Bắc, người dân sẽ có hai ngày (2-3/9) vui chơi trong tiết trời khô ráo, oi nóng về trưa và chiều. Nhiệt độ cao nhất trong ngày là 31-34 độ C. Riêng khu vực Tây Bắc Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ có thể mưa gián đoạn nhưng không đáng kể.
Đáng lưu ý, mưa dông khả năng quay trở lại miền Bắc vào đêm 3/9 và ngày 4/9 với xác suất xảy ra 65-75%. Người dân có kế hoạch di chuyển trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ cần lưu ý thời tiết để chuẩn bị tư trang cần thiết.
Trang Accuweather dự báo Hà Nội có thể nắng mưa gián đoạn trong hôm nay (2/9) nhưng lượng mưa không đáng kể. Nền nhiệt trong ngày dao động 26-34 độ C, trời có gió nên thời tiết khá dễ chịu.
Ngày 3/9, tình trạng oi nóng có thể gia tăng ở thủ đô nhưng tiết trời khô ráo thuận lợi cho hoạt động ngoài trời. Đến ngày 4/9, thời tiết Hà Nội quay về trạng thái nhiều mây, mưa dông có thể xuất hiện vào chiều tối, đúng thời điểm người dân di chuyển về thành phố sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Tại các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa rào và dông được dự báo xuất hiện vào chiều tối 2/9 và 4/9. Những ngày tới, nhiệt độ cao nhất tại khu vực là 32-35 độ C, có nơi nắng nóng.
Với khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, oi nóng duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ. Từ chiều tối 3/9, mưa rào và dông có thể xuất hiện với xác suất 70-80%.
NT (Nguoiduatin.vn)