Vào thứ năm, Ủy ban Châu Âu đã bắt đầu tiến trình đầu tiên nhằm "hỗ trợ Apple tuân thủ các nghĩa vụ về khả năng tương tác" được thực thi theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Các cấn đề được quan tâm bao gồm cách các thiết bị iOS hoạt động cùng với các thiết bị kết nối khác cũng như khả năng tương tác giữa các sản phẩm của nhà phát triển bên thứ ba với các thiết bị iOS.
"Hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng các thủ tục về thông số kỹ thuật theo DMA để hướng dẫn Apple tuân thủ hiệu quả các nghĩa vụ về khả năng tương tác của mình thông qua đối thoại mang tính xây dựng", Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết trong một tuyên bố.
"Chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo các thị trường kỹ thuật số công bằng và cởi mở. Khả năng tương tác hiệu quả, ví dụ như với điện thoại thông minh và hệ điều hành của chúng, đóng vai trò quan trọng trong việc này".
"Quy trình này sẽ cung cấp sự rõ ràng cho các nhà phát triển, bên thứ ba và Apple" Vestager tiếp tục. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Apple và tham khảo ý kiến của bên thứ ba để đảm bảo rằng các biện pháp được đề xuất có hiệu quả trong thực tế và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp."
DMA là quy định của EU nhằm đảm bảo các công ty công nghệ lớn cung cấp nền tảng mở và công bằng để thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường. Theo biên bản mới nhất của Ủy ban, Apple đã không tuân thủ DMA theo hai cách chính.
Tiến trình đầu tiên đề cập đến "các tính năng và chức năng kết nối iOS, chủ yếu được sử dụng cho và bởi các thiết bị được kết nối". Các thiết bị này được mô tả về cơ bản là các thiết bị đeo được như đồng hồ thông minh, tai nghe và tai nghe thực tế ảo. Có vẻ như EU muốn Apple cởi mở hơn với khả năng tương tác giữa các thiết bị iOS như iPhone và các thiết bị đeo được không phải của Apple. Ủy ban đặc biệt đề cập rằng các chức năng của iOS như thông báo, ghép nối thiết bị và kết nối với các thiết bị của bên thứ ba này cần được Apple cải thiện.
Tiến trình thứ hai nhắm vào Apple về các yêu cầu về khả năng tương tác từ các nhà phát triển bên thứ ba trên iOS và iPadOS. Có vẻ như EU muốn Apple cung cấp nhiều quyền truy cập hơn cho các nhà phát triển và các nhà sản xuất ứng dụng muốn tích hợp các tính năng iOS như Siri và Apple Pay vào phần mềm của họ. Hiện tại, quyền truy cập của nhà phát triển bên thứ ba vào một số tính năng này bị hạn chế nghiêm ngặt hoặc bị hạn chế hoàn toàn.
Theo DMA, Apple sẽ có 6 tháng để giải quyết những vấn đề này từ Ủy ban châu Âu. Nếu công ty không tuân thủ, EU có thể phạt Apple tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.
Những quy định công nghệ khá mới này ở EU đã tác động đến Apple theo một số cách chính. Đáng chú ý nhất là Apple buộc phải cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trên các thiết bị iOS của mình, như iPhone, để cạnh tranh với App Store chính thức của riêng mình.
Đáng lưu ý, các quy định của EU đã có tác động rộng hơn, vượt ra ngoài lãnh thổ của khu vực. Trước đó, quy định của EU đã thúc đẩy Apple chuyển từ cáp Lightning sang USB-C cho các thiết bị di động của mình.
Thành Đô