Ba Lan đã nhận các xe tăng chủ lực M1Abrams của Mỹ vào tháng 6/2023.
"Chúng tôi không còn cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi vì chúng tôi phải trang bị cho quân đội của mình nhiều vũ khí hiện đại hơn", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trả lời câu hỏi về việc liệu Ba Lan có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không.
Ông Morawiecki cũng đề cập chuyến thăm gần đây đến các nhà máy sản xuất lựu pháo Krab, xe bọc thép chở quân Rosomak. "Ở đây chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa và trang bị vũ khí nhanh chóng cho để Ba Lan trở thành một trong những quốc gia sở hữu đội quân mạnh nhất châu Âu", ông Morawiecki nói thêm.
Thủ tướng Ba Lan cũng khẳng định rằng nước này sẽ không cản trở các quốc gia phương Tây khác tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua trung tâm trung chuyển ở biên giới Ba Lan - Ukraine.
Ba Lan là một trong những quốc gia phương Tây hỗ trợ đáng kể cho Ukraine ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Ba Lan đã viện trợ quân sự hơn 3 tỷ euro cho Ukraine trong hơn một năm. Một lượng lớn xe tăng T-72 được Ba Lan cung cấp cho Ukraine, cũng như các hệ thống pháo và tiêm kích MiG-29.
Ba Lan cung cấp vũ khí cho Ukraine một phần để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng vũ khí NATO, bao gồm xe tăng chủ lực M1 Abrams và chiến đấu cơ F-35.
Tháng 4/2023, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 32 tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ. Đơn hàng dự kiến được giao từ năm 2024 cho đến năm 2030. Ba Lan cũng chi 389 triệu USD để nhà sản xuất Mỹ giúp hiện đại hóa 48 chiến đấu cơ F-16.
Ông Morawiecki đưa ra tuyên bố vài giờ sau khi Ba Lan triệu đại sứ Ukraine, cảnh báo sẽ mở rộng lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Ukraine, không chỉ áp dụng với ngũ cốc.
Ba Lan cho rằng, Ukraine đang bất chấp để bán ngũ cốc giá rẻ sang Ba Lan và các quốc gia châu Âu khác, khiến nông dân Ba Lan trực tiếp chịu thiệt hại.
Hôm 20/9, Ukraine kêu gọi Ba Lan đối thoại, cùng tìm cách giải quyết vấn đề căng thẳng theo hướng mang tính xây dựng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết.
Đăng Nguyễn - Bloomberg