Thủy Hử có thể nói là nơi vô số các anh hùng, hảo hán tề tựu. Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa, Võ Tòng là những cái tên quá quen thuộc đối với số đông độc giả yêu thích tác phẩm của Thi Nại Am nói riêng và tiểu thuyết kiếm hiệp nói chung. Tuy nhiên, không ai trong số 3 nhân vật nêu trên được xem là "Bậc thầy Kungfu" (Kungfu: Võ cổ truyền Trung Hoa) trong Thủy Hử.
Giống như hầu hết các tiểu thuyết kiếm hiệp, luôn có 1 cao thủ tuyệt thế bí ẩn, nội công thâm hậu, võ công xuất quỷ nhập thần, đại cao thủ này tuy xuất hiện không nhiều nhưng lại có thể khiến "Tam kiệt Hà Bắc" Lư Tuấn Nghĩa - người nắm giữ chức vụ Tổng binh đô đầu lĩnh của nghĩa quân Lương Sơn - cứ gặp là quỳ. Ông là ai?
Bậc thầy Kungfu trong Thủy Hử
Đó chính là Chu Đồng.
Sinh ra trong một gia đình thanh thế ở huyện Vận Thành (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay), Chu Đồng ngay từ nhỏ đã ham thích văn ôn võ luyện, thường giao du với những người trượng nghĩa và vô cùng hào phóng.
Lớn lên, Chu Đồng có tướng mạo hơn người. Ông có khuôn mặt đỏ, mắt sáng như sao, bộ râu dài, dáng người tráng kiện, khí phách phi phàm - rất giống Quan Vũ, vị chiến tướng trứ danh thời Tam Quốc. Đó là lý do, Thi Nại Am đặt biệt hiệu cho Chu Đồng là Mỹ Nhiêm Công.
Không chỉ giống Quan Vũ ở tướng mạo, Chu Đồng còn giống Hổ tướng Thục Hán ở tính cách nhân hậu, chính trực, trung thành, trượng nghĩa khí.
Ngạc nhiên hơn, Chu Đồng không chỉ là một nhân vật trong "Thủy Hử", ông còn là một nhân vật có thật trong lịch sử. Tương truyền, Chu Đồng còn là hậu duệ của đại tướng Khương Duy nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Sử chép, Chu Đồng là một bậc thầy võ thuật Kungfu vào đầu thời nhà Tống (960-1279). Ông vang danh thiên hạ với kỹ năng bắn cung phi thường và được mệnh danh là "Anh hùng Thiểm Tây Chu Đồng với cánh tay sắt".
Hồi trẻ, Chu Đồng là đệ tử của phái Thiếu Lâm, bái võ sư huyền thoại của Thiếu Lâm Tự - là Đàm Chính Phương - làm thầy. Nhờ đó, ông rất thông thạo những lời dạy chân chính của phái Thiếu Lâm, thuộc lòng binh pháp thao lược. Có thể nói là văn võ toàn tài.
Trong Thủy Hử, trước khi tụ nghĩa trên Lương Sơn Bạc, Chu Đồng giữ chức Đô đầu binh mã ở huyện Vận Thành.
Hành động trượng nghĩa của Chu Đồng với Tống Giang (thả Tống Giang đi thay vì bắt giam theo lệnh triều đình sau khi Tống Giang giết Diêm Bà Tích) đã khiến thủ lĩnh Lương Sơn Bạc vô cùng ngưỡng mộ. Cũng giống nhiều hảo hán Lương Sơn khác, Tống Giang một lần nữa phải nhờ đến mưu kế của quân sư Ngô Dụng mới có thể đưa Chu Đồng lên Lương Sơn. Lên Lương Sơn, Chu Đồng ngồi ở vị trí 12, giữ chức Tướng tiên phong.
5 đại đệ tử của Chu Đồng
Để nói về danh xưng "Võ sư số một thời nhà Tống" cùng võ nghệ cao cường được tôn tụng là cao thủ tuyệt thế của Thủy Hử, hãy nhìn vào 5 đại đệ tử của Chu Đồng là hiểu.
Đệ tử đầu tiên, uy danh vang chấn thiên hạ không ai khác chính là Tổng binh đô đầu lĩnh quân Lương Sơn - Lư Tuấn Nghĩa. Các đại đệ tử tiếp theo của Chu Đồng là Lâm Xung, Sử Văn Cung, Võ Tòng, Nhạc Phi.
Nhìn chung, các đệ tử của Chu Đồng đều có một điểm chung dễ nhận thấy đó là họ đều thành thạo các kỹ năng dùng thương, đấu tay đôi hoặc bắn cung. Và cả 5 đại đệ tử này đều có uy danh vang chấn thiên hạ, lập được nhiều chiến công hiển hách cho nghĩa quân Lương Sơn Bạc.
Trong số 5 đại đệ tử, có thể nói Nhạc Phi là một đệ tử thân cận của Chu Đồng. Là đệ tử cuối cùng của Chu Đồng nên Nhạc Phi được thầy truyền dạy mọi thứ mà thầy có được trong suốt cuộc đời. Thậm chí, Chu Đồng còn tặng Nhạc Phi hai cây cung yêu quý của mình.
Thấm nhuần những lời dạy quý báu và võ nghệ cao cường từ thầy, Nhạc Phi về sau trở thành một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông giữ chức Đại nguyên soái dưới thời Nam Tống.
Tương truyền, tướng Nhạc Phi được chân truyền Phiên Tử Quyền (đòn tay nhanh liên tiếp, có nguồn gốc từ Ưng Trảo Quyền của Bắc Thiếu Lâm) nên đã phát triển và sáng tạo ra một loại quyền mới, vang danh thiên hạ thời Nam Tống.
Cùng Tống Giang Nam chinh Bắc phạt, lập vô số chiến tích
Sau khi gia nhập Lương Sơn Bạc, Chu Đồng - cũng giống như nhiều chiến tướng khác đều đi theo Tống Giang Nam chinh Bắc phạt. Ông lập được vô số chiến công hiển hách. Nổi bật trong số đó là các trận đánh Liêu quốc, Vương Khánh, Điền Hổ và Phương Lạp.
Trong cuộc bình định Liêu quốc, Chu Đồng giữ chức Phó tướng của Đổng Bình và đột phá thành công vòng vây trong Thái ất Hồn thiên Tượng trận - trận đồ được xem là nguy hiểm và phức tạp nhất trong Thủy Hử. Tác giả của trận đồ này chính là Tổng tư lệnh Vương quốc Liêu - Ngột Nhan Quang, người vốn thông thạo 18 loại võ thuật, tinh thông binh pháp và dũng mãnh thiên hạ ít người sánh kịp.
Sau khi phá vòng vây của Thái ất Hồn thiên Tượng trận, Chu Đồng bắt sống được Khúc Lợi khi đó đang đứng ở vị trí quân đội tiền phương trong Thái ất Hồn thiên Tượng trận.
Trong cuộc viễn chinh chống lại Phương Lạp, Chu Đồng một lần xuất sắc thể hiện sức mạnh vạn người khó địch của mình trong trận Tô châu. Khi ấy, Chu Đồng giết chết một tướng địch trên chiến trận và bắt sống tướng Đàm Cao đang trấn giữ Mục Châu.
Chu Đồng là một trong 27 hảo hán Lương Sơn Bạc sống sót trở về, cùng Tống Giang hát vang khúc ca khải hoàn nhưng cũng không kém phần bi tráng khi tiễn đưa những hảo huynh đệ vì nghĩa xả thân.
Triều đình phong cho ông chức Đô thống chế phủ Bảo Định. Cả một đời vì nghĩa, Chu Đồng về sau lại tòng quân chống nhà Kim, sau khi cùng Nguyên soái Lưu Quang Thế đánh bại Kim, ông được phong chức Tiết độ sứ quận Thái Bình.
Tham khảo: Sohu, 163, Baidu, Thủy Hử
Trang Ly