Trang tin công nghệ Chip (Ba Lan) đăng bài viết bình luận, Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 19-23/12 đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quân sự.
Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, bao gồm các công ty lớn từ Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác. Điều đó cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Được tổ chức lần thứ hai, sự kiện này đã trở thành diễn đàn quan trọng để giới thiệu các công nghệ mới và phương pháp giải quyết các thách thức quốc phòng trong khu vực.
Trong suốt triển lãm, một loạt các hệ thống chiến đấu do các doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam và quốc tế phát triển - sản xuất đã được giới thiệu. Điển hình là máy bay huấn luyện – tuần tra TP-150 "Make in Vietnam".
Đây là mẫu máy bay huấn luyện "đầu tiên trong lịch sử" được sản xuất tại Việt Nam và là mẫu máy bay đầu tiên do một công ty tư nhân ở Việt Nam sản xuất, chính thức đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam và "là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân đang được tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng".
Về phía các doanh nghiệp quốc tế, có thể thấy hàng loạt sản phẩm đến từ các công ty lớn của Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác. Trong số này có một hệ thống vũ khí từ Nga được các diễn đàn quân sự đánh giá là "siêu độc đáo". Đó là phương tiện lặn tự hành Klavesin-1RE.
"Chúng ta không ngờ tới điều này: Nga đã mang tới Việt Nam hệ thống vũ khí đặc biệt" – Tờ Chip bình luận.
Trước đó, tờ Army Recognition (Bỉ) gọi Klavesin-1RE là "ngôi sao" tại triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam. Sự tham gia của Nga và các hệ thống mà Moscow mang tới đã làm nổi bật mối quan tâm của nước này trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam nói riêng và các quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Công cụ "vô giá"
Theo trang Chip, Klavesin-1RE là sản phẩm của Cục thiết kế Rubin, được thiết kế để thám hiểm vùng biển sâu và trinh sát dưới nước. Đáng lưu ý, theo giới thiệu, hệ thống này "là một minh chứng cho công nghệ hải quân cấp độ cao nhất".
Klavesin-1RE có khả năng đáp ứng những thách thức của môi trường khắc nghiệt dưới nước. Các thông số kỹ thuật ấn tượng của hệ thống bao gồm: Độ sâu hoạt động tối đa 6.000 mét, phạm vi hoạt động gần 300km.
Nó cũng được trang bị các cảm biến hiện đại, như sonar tần số cao – thấp, máy quét điện tử và các thiết bị đo đạc đáy biển đặc biệt, nhờ đó có thể xác định và phân tích các đối tượng dưới nước "với độ chính xác đáng kinh ngạc".
Hệ thống camera trên khoang cho phép thực hiện các cuộc kiểm tra trực quan chi tiết, khiến Klavesin-1RE trở thành "công cụ vô giá" để lập bản đồ đáy biển, đánh giá cơ sở hạ tầng và nhận dạng các đối tượng dưới nước.
Nó cũng được thiết kế để hoạt động tự động, cho phép thực hiện các nhiệm vụ lập trình sẵn với sự tham gia tối thiểu của con người. Quá trình liên lạc được thực hiện thông qua các liên kết thủy âm và radio tiên tiến, đảm bảo việc truyền dữ liệu mượt mà.
"Tất cả những tính năng này khiến cho Klavesin-1RE trở thành một công cụ đa năng cho các nhiệm vụ quân sự, giám sát môi trường và kiểm tra cơ sở hạ tầng" – Tờ Chip nhận định.
(Dàn vũ khí của Rosoboronexport tại khu trưng bày ngoài trời Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024. Nguồn: Rosoboronexport)
Một lựa chọn cho Việt Nam
Theo Chip, thành công của Klavesin-1RE trên thị trường quốc tế sẽ phụ thuộc vào việc kết hợp khả năng của nó với nhu cầu hoạt động và ngân sách của khách hàng tiềm năng.
Tại triển lãm, các đại diện từ Nga cũng đã nêu bật khả năng của Klavesin-1RE, cũng như định hướng phát triển của nó và những nỗ lực của Nga nhằm tham gia sâu hơn vào các thị trường quốc phòng Đông Nam Á.
Cùng viết về Klavesin-1RE, Army Recognition nhận định thêm rằng, Nga đã giới thiệu hệ thống này tại triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam trong bối cảnh mối quan tâm đối với các hệ thống ngầm tiên tiến trong khu vực ngày càng tăng. Đông Nam Á là một khu vực quan trọng để ứng dụng các công nghệ như vậy.
Đối với các quốc gia như Việt Nam, theo trang công nghệ của Ba Lan, việc trang bị hệ thống tiên tiến này sẽ đòi hỏi phải phân tích chi tiết về mặt chi phí – lợi ích, và cân nhắc chiến lược về an ninh hàng hải. Song, đây vẫn là một hệ thống rất có giá trị ứng dụng để cân nhắc.
Minh Nhật