Trong thông báo tối 8/2 theo giờ Mỹ (tức sáng 9/2 theo giờ Việt Nam), SpaceX đã xác nhận thông tin này, đồng thời nêu rõ những cơn bão từ làm cho bầu khí quyển ấm lên và mật độ khí quyển ở độ cao triển khai các vệ tinh tầm thấp cũng gia tăng.
Trên thực tế, hệ thống định vị vệ tinh GPS tích hợp cho thấy vận tốc và mức độ nghiêm trọng của bão từ đã khiến lực cản trong khí quyển tăng cao hơn 50% so với thời điểm tiến hành các vụ phóng trước đây.
Cũng theo thông báo, 49 vệ tinh mới nhất thuộc mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida hôm 3/2 vừa qua.
Tuy nhiên, do thời điểm phóng trùng với khi xảy ra một cơn bão từ theo dự báo của Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ Mỹ, nên các vệ tinh đã chịu tác động bất lợi một ngày sau đó.
SpaceX đã nỗ lực điều hướng vệ tinh để giảm tối thiểu sức cản, tuy nhiên điều này đã thất bại. 40 vệ tinh bị ảnh hưởng đã và sẽ rơi trở lại xuống bầu khí quyển Trái Đất thay vì lên được quỹ đạo bình thường và cháy hoàn toàn trong khí quyển, không tạo ra rác quỹ đạo hay mảnh vỡ rơi xuống mặt đất.
Vào giữa tháng 1/2022, SpaceX đã vượt mốc 2000 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo và đã được cấp phép để phóng thêm 12.000 vệ tinh nữa. Do đó, việc mất 40/49 vệ tinh trong lần phóng này có thể sẽ không ảnh hưởng quá nặng nề đến kế hoạch triển khai hệ thống Starlink của SpaceX.
Bão địa từ xảy ra khi các luồng hạt điện tích mạnh phóng ra từ Mặt Trời (gió Mặt Trời) tác động vào từ trường của Trái Đất, gây nhiễu động từ trường và ảnh hưởng đến các vệ tinh cũng như thiết bị điện tử tùy theo hướng đi và cường độ gió Mặt Trời.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)