Cách đây không lâu, một hot search có tới hơn 100 triệu lượt xem chỉ xoay quanh một bát canh rau bắp cải. Tuy nhiên, đây không phải bát canh rau bình thường.
Cụ thể, vào đầu tháng 9 vừa qua khi năm học mới bắt đầu, phụ huynh của một tân sinh viên đã bị sốc trước giá cả ở canteen của Đại học Thanh Hoa - ngôi trường top đầu Trung Quốc. Ở một thành phố lớn như Bắc Kinh, nơi chi phí sinh hoạt cao chót vót, một bát canh rau bắp cải thơm ngon chỉ có giá 1 NDT (khoảng 3 ngàn đồng).
Và không chỉ canh rau bắp cải mới rẻ đến thế. Canteen Thanh Hoa còn có bánh rán giá 3 xu (khoảng 7 ngàn đồng), bột chiên que giá 4 xu (khoảng 10 ngàn đồng), thịt lợn băm xào bắp cải giá 1 NDT (khoảng 3 ngàn đồng),...
Rất nhiều món ăn ở Đại học Thanh Hoa có giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Theo thống kê, một sinh viên Thanh Hoa chỉ cần 500 NDT (1,7 triệu đồng) là có thể ăn uống no nê trong một tháng.
Tất nhiên, lợi ích của sinh viên Thanh Hoa không chỉ dừng ở việc ở ăn uống.
Ký túc xá của Đại học Thanh Hoa là những căn hộ được trang trí tinh xảo, đầy đủ tiện nghi giống như khách sạn. Thanh Hoa cũng có bệnh viện riêng và sinh viên có thể điều trị tại trường với mức chi phí rất rẻ.
Nếu sinh viên nào muốn dáng đẹp thì trong trường cũng có phòng tập thể hình dành cho họ, với đầy đủ các môn thể thao như Pilates, đạp xe, đấm bốc, khiêu vũ. Thậm chí trong trường còn có trung tâm phục hồi chức năng chuyên nghiệp và giá vé chỉ 35 NDT (khoảng 122 ngàn đồng).
Khi so sánh với một số trường khác sẽ thấy đãi ngộ của sinh viên Thanh Hoa thật khác biệt quá nhiều. Một số trường có chi phí bán đồ ăn cao hơn trong canteen của Thanh Hoa, nhưng sàn nhà thì kém chất lượng, tường dột, khung giường ký túc xá ọp ép, mùa hè không có máy điều hòa,...
Có người từng nói: Sinh viên Đại học Thanh Hoa xứng đáng được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất.
Mặc dù câu nói này có vẻ mang tính chế giễu nhưng đó là sự thật. Quan sát bảng xếp hạng tài trợ ngân sách cho các trường đại học của Trung Quốc vào năm 2024, bạn có thể dễ dàng phát hiện: Có một khoảng cách rất lớn về ngân sách giữa các trường ở top đầu về chất lượng đào và những trường top dưới.
Đằng sau mỗi con số này không chỉ là cách biệt về nguồn lực tài chính mà còn là sự cụ thể hóa khoảng cách về nguồn lực, vòng tròn mối quan hệ giữa các trường khác nhau.
Ngày nay, cha mẹ và thầy cô luôn dặn dò một người trẻ phải học tập chăm chỉ, phấn đấu để vào được trường đại học top đầu. Nhưng rất ít người có thể giải thích thực sự rõ ràng về lợi ích của việc theo học tại ngôi trường danh tiếng.
Tại sao chúng ta phải học hành chăm chỉ để được nhận vào một trường đại học tốt hơn?
Bởi lẽ trở thành sinh viên của ngôi trường danh tiếng có thể mang lại cho chúng ta nhiều hơn chỉ là một tấm bằng sáng chói. Mà đó còn là "lợi ích tiềm ẩn" mà nhiều người không thể tưởng tượng được.
Tài nguyên ẩn của trường top đầu
Một sinh viên Thanh Hoa từng kể câu chuyện này:
Một đêm nọ, cô bước ra khỏi ký túc xá và nhìn thấy tấm áp phích khổng lồ. Cô đi theo tấm áp phích, đến nơi, cô thấy một nhân vật đang nói chuyện hùng hồn ở giữa sân khấu chính là một giám đốc điều hành cấp cao. Một nhân vật xuất chúng như thế lại tụ tập cùng nhiều người tài giỏi khác tại địa điểm nhỏ của Đại Hoa Thanh Hoa mà cô không cần bỏ tiền hoặc đặt vé trước để được gặp họ.
Là một sinh viên bình thường của Thanh Hoa, cô có thể tiếp cận họ mà không có bất kỳ rào cản, trò chuyện thân mật và thậm chí có thể xin thông tin liên hệ.
Cơ hội hiếm có này không phải do năng lực của cô sinh viên mà là trường Thanh Hoa mang lại.
Kết luận của cô có thể khiến nhiều người đau lòng: "Thanh Hoa thực sự là nơi có nguồn tài nguyên dư thừa". Những nguồn lực và mối quan hệ hiếm có ở trường đại học bình thường lại trở nên phổ biến ở Thanh Hoa.
Một ông lão cưỡi chiếc xe đạp cũ mà bạn ngẫu nhiên bắt gặp trong khuôn viên trường là một học giả hàng đầu trong ngành. Triển lãm, bài giảng, buổi hòa nhạc, hội thảo, diễn đàn học thuật của những người hàng đầu thuộc mọi tầng lớp,... bạn đều có thể tham gia mà không cần phải mua vé và đặt chỗ, miễn bạn là sinh viên Thanh Hoa.
Điều kiện học tập này trái ngược hoàn toàn với chia sẻ của một anh chàng học ở trường đại học bình dưới ở dưới bài đăng của cô bạn sinh viên Thanh Hoa. Anh kể, ngoài việc đến lớp, ăn và ngủ, hàng ngày của anh dường như chẳng có việc gì khác để làm.
Giảng viên dạy một cách máy móc. Anh không biết nội dung mình học sẽ có ích cho việc làm sau này như thế nào.
Anh muốn đến phòng hòa nhạc nhưng khuôn viên của trường không có. Ngay cả sân chơi duy nhất của trường cũng đã xuống cấp.
Sau 4 năm, anh dường như không nhận được gì từ ngôi trường, ngoại trừ một tấm bằng. Sau khi tốt nghiệp đại học, do chỉ biết sơ qua kiến thức về chuyên ngành nên anh phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu ở nơi làm việc.
Những người đứng đầu ngành trong giảng đường Đại học Thanh Hoa có thể không bao giờ xuất hiện trên bục giảng của bất kỳ trường học bình thường nào.
Dường như có một rào cản vô hình giữa trường danh tiếng và trường không danh tiếng.
Nguồn lực giáo dục không phân bổ đồng đều. Điều này không chỉ thể hiện ở cơ sở vật chất mà còn ở "nguồn lực mềm" ảnh hưởng vô hình đến tầm nhìn, tư duy và tương lai của sinh viên.
Một trường đại học tốt sẽ cho bạn nhiều hơn là chỉ kiến thức. Khoảng cách giữa con người cuối cùng chính là sự khác biệt về kiến thức và tầm nhìn. Trong thế giới cạnh tranh gay gắt, một tầm nhìn rộng, tư duy sâu sắc và tính khí không sợ hãi trước những thay đổi thất thường chính là thứ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống con người.
Đối với người bình thường, nếu muốn tiếp cận nguồn tài liệu chất lượng cao thì việc chăm chỉ học tập là lựa chọn tốt với chi phí thấp nhất.
Vào một trường đại học hàng đầu, tương đương với việc bước lên vai những người khổng lồ và tiếp tục leo lên.
Vòng tròn quan hệ và môi trường chất lượng
Ngoài nguồn lực, điểm khác biệt lớn nhất giữa trường danh tiếng và không danh tiếng chính là những người xung quanh bạn.
Một người bạn của tôi từng học ở trường bình thường. Dần dần, cô nhận ra nhiều người bạn sinh viên xung quanh bắt đầu trở nên lười biếng. Có người lên lớp chỉ để chơi điện thoại di động, nhưng giảng viên cũng chỉ nhắm mắt làm ngơ.
Khi đó, cô bạn nhất quyết học tập nghiêm túc, trở thành "kẻ lập dị" trong mắt bạn cùng phòng và bạn học. Chỉ vì học hành quá mức mà cô dần bị bạn bè xa lánh và cô lập.
Cô bạn đắn đo liệu mình có nên tiếp tục cố gắng hòa nhập với mọi người và tốt nghiệp như bình thường hay không? Nhưng cuối cùng, cô vẫn chọn thi lại đại học và trở thành tân sinh viên của một trường tuyến một.
Lúc này, cô bạn mới nhận ra: Trước đó, cô không làm gì sai mà là cô chưa gặp được những người cùng chí hướng.
Môi trường và không khí học tập ở trường danh tiếng và trường không danh tiếng rất khác nhau. Cô bạn nhận thấy, Nhiều người ở môi trường đại học mới không chỉ học giỏi hơn mà còn chăm chỉ hơn cô.
Trong một môi trường như vậy, cô cảm thấy áp lực chưa từng có, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển. Mọi người đang thúc giục nhau đi lên chứ không phải kéo bạn xuống.
Câu chuyện của cô bạn làm tôi nhớ đến những lớp học và thư viện sáng đèn bất kể ngày đêm ở những trường đại học top đầu.
Con người đều là sản phẩm của môi trường. Một ngôi trường tốt không chỉ đem lại nguồn lực giáo dục tốt mà còn là nhóm người đồng chí hướng, hàng ngày cùng nhau tiến lên.
Khi bạn chơi với những người giỏi nhất, bạn sẽ trở nên tốt hơn.
Khi bạn ở vòng tròn mối quan hệ tốt hơn, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Điểm khởi đầu tốt hơn
Tôi từng xem hội chợ tuyển dụng tại 2 trường đại học.
Một là hội chợ tuyển dụng trong khuôn viên Đại học Chiết Giang, các công ty đến tìm kiếm ứng viên đều là doanh nghiệp hành đầu, mức lương khởi điểm cao và nhiều chế độ phúc lợi.
Hai là hội chợ tuyển dụng tại trường đại học bình thường. Thoạt nhìn thì hội chợ tuyển dụng này rất đông vui náo nhiệt. Nhưng công ty tham gia ngày hội có quy mô nhỏ, lương hàng tháng cho nhân viên không quá 5.000 NDT (17,5 triệu đồng).
Tại sao lại có sự khác biệt này?
Nếu bạn đã quen thuộc với quy trình tuyển dụng của một số công ty lớn, bạn có thể biết rằng có một thứ gọi là "giới thiệu nội bộ".
Mỗi mùa tuyển dụng, những doanh nhân tốt nghiệp từ các trường top đầu sẽ giới thiệu nhân sự nội bộ là sinh viên từ trường cũ của họ. Trong nội bộ công ty, cơ hội giới thiệu cũng sẽ được mở ra cho các đàn em từ nhân viên đã tốt nghiệp các trường danh tiếng.
Thêm vào đó, có một thực tế là nhà tuyển dụng có bộ lọc cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học lớn.
Khi nhà tuyển dụng xem xét một loạt hồ sơ, những người đầu tiên được sàng lọc sẽ là ứng viên có trình độ học vấn cao từ các trường đại học danh tiếng.
Nếu bắt đầu từ cùng một điểm xuất phát, nhiều nhà tuyển dụng sẽ cho rằng sinh viên đến từ các trường danh tiếng có năng lực hơn.
Trong thời đại dán nhãn này, trình độ học vấn và những ngôi trường danh tiếng là những nhãn hiệu thiết thực và có giá trị nhất với một con người.
Khi gia đình không thể đưa cho bạn xuất phát điểm cao thì nhà trường sẽ là nơi định hình lại vạch xuất phát của bạn.
Theo Toutiao
Dương