Đài RT (Nga) đưa tin, trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social vào ngày 20/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã viết rằng Liên minh châu Âu (EU) nên "bù đắp thâm hụt khổng lồ của họ với Mỹ bằng cách mua dầu và khí đốt của chúng tôi với số lượng lớn".
"Nếu không, tất cả sẽ là THUẾ QUAN!" ông Trump cảnh báo.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU là 156 tỷ euro vào năm 2023.
Eurostat cho biết, Mỹ đã cung cấp 47% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 17% lượng dầu nhập khẩu của EU trong quý đầu tiên của năm 2024. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu ở mức khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của quốc gia này; phần còn lại được chuyển đến châu Á.
Trong EU, Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý và Thụy Điển là những nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Mỹ.
RT đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) đã phản hồi lại những cảnh báo của ông Trump, cho biết họ đã sẵn sàng thảo luận về cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ EU – Mỹ mà họ mô tả là vốn đã bền chặt, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.
Hãng tin Reuters (Anh) trích lời một người phát ngôn giấu tên của EC cho biết: "EU cam kết loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa các nguồn cung cấp của chúng tôi."
Theo RT, EU đã cam kết ngừng tiêu thụ nhiên liệu của Nga sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022. Nguồn cung cấp nhiên liệu với giá thành cao hơn của Mỹ đã thay thế phần lớn khí đốt giá rẻ qua đường ống mà trước đó Nga từng cung cấp.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy các nước EU vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga trị giá hàng tỷ euro mỗi tháng. Theo công ty phân tích năng lượng Kpler có trụ sở tại Bỉ, vào năm 2024, khối này nhập khẩu thêm 10% LNG từ Nga so với năm 2023.
Kế hoạch của EU nhằm loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số thành viên của khối, đặc biệt là Hungary và Slovakia - những nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu từ Nga.
RT đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Trump - người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 - từng tuyên bố ông coi các biện pháp thuế quan là một công cụ đàm phán quan trọng với các nước khác.
Hồi tháng trước, ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với Mexico và Canada nhằm ép các nước này tăng cường an ninh biên giới để hạn chế người di cư bất hợp pháp vào Mỹ. Ông cũng dọa tăng thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc khi cáo buộc Bắc Kinh hành động không đủ mạnh tay để ngăn chặn dòng ma túy trái phép xâm nhập nước Mỹ từ phía biên giới Mexico.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng châu Âu sẽ phải trả giá đắt vì đã duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Theo RT, xuất khẩu của EU chủ yếu bắt nguồn từ Đức, với các mặt hàng chủ chốt là ô tô, máy móc và hóa chất. Điều đó có nghĩa là các khoản thuế của chính quyền Mỹ tương lai có thể tàn phá nền kinh tế lớn vốn đang gặp khó khăn của EU.
Hữu Hiển