Ngày 4/3, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 3 đối tượng để điều tra, làm rõ tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi.
Các đối tượng gồm: Lê Thái Dương (SN 1992), Phạm Văn Thắng (SN 1982), đều ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và Hắc Ngọc Tình (SN 1975), ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo kết quả điều tra, Lê Thái Dương là Giám đốc Công ty và cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Kanji Feed Việt Nam. Công ty này chuyên sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi.
Do không có điều kiện xây dựng nhà máy, nên ngày 1/11/2022, Dương đã ký hợp đồng với Công ty TNHH M&D Việt Nam, do Phạm Văn Thắng làm quản lý và điều hành hoạt động.
Theo hợp đồng, Thắng nhận gia công sản xuất cho Dương các loại thức ăn chăn nuôi, cung cấp các loại nguyên liệu, phụ liệu trong sản xuất.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, từ tháng 1/2024, Dương đã ra lệnh sản xuất “Heo 5”, “Vịt V643” theo các chỉ tiêu ghi trong lệnh sản xuất chỉ đạt độ đạm Protein thô (chất chính) khoảng 8-10%, không bổ sung Lysine.
Sau đó, Dương yêu cầu Công ty TNHH M&D Việt Nam đóng vào các bao ghi mã nhãn hiệu 20-50S; KJ 686; KJ687; KJ904 và các bao ghi các mã nhãn hiệu V64S; KJ906 và V32A đều có độ đạm ghi trên bao bì từ 18% đến 19%.
Quá trình gia công sản xuất, Thắng biết được Dương gia công sản xuất thức chăn nuôi từ một công thức, cùng một thương hiệu ra nhiều sản phẩm khác nhau kém chất lượng nên đã trao đổi và yêu cầu Dương phải bổ sung các chất để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Tuy nhiên, Dương không nghe theo.
Từ tháng 1/2024 đến khi bị bắt, Công ty TNHH M&D Việt Nam đã sản xuất từ công thức "Heo 5" , "VIT 64S" bán cho khách hàng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 300 triệu đồng.
Trong đó, Dương đã bán cho Hắc Ngọc Tình hơn 10 tấn thức ăn chăn nuôi giả. Mặc dù biết các mã nhãn hiệu trên kém chất lượng so với các chỉ tiêu thành phần chính ghi trên bao bì, nhưng vì hám lợi, Tình vẫn mua về để bán kiếm lời.