Văn phòng Thủ tướng Bahamas khẳng định, ông Bankman-Fried đã bị bắt tại nhà riêng ở thủ đô Nassau và sẽ phải ra hầu tòa trong ngày 13/12. Trong khi đó, Văn phòng Tổng chưởng lý ở Bahamas cho biết Bankman-Fried sẽ bị giam giữ tại nước này, cho tới khi Mỹ yêu cầu dẫn độ.
Việc bắt giữ diễn ra trong bối cảnh "ông trùm tiền kỹ thuật số" này được yêu cầu trình diện tại Quốc hội Mỹ 1 ngày sau đó để tham gia phiên điều trần về sự sụp đổ của FTX.
Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ hãng tin Reuters cho biết, sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ của doanh nhân 30 tuổi này, người từng thúc đẩy sự bùng nổ tiền mã hóa (tiền ảo, tiền điện tử) để tạo ra một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới.
Tạp chí Forbes 1 năm trước ước tính giá trị tài sản của ông Bankman-Fried lên đến 26,5 tỷ USD.
Sàn tiền ảo FTX ra mắt vào năm 2019 và có trụ sở tại Bahamas. Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số từng lớn thứ 2 thế giới này đã sụp đổ một cách chớp nhoáng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.
Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện các chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ phòng hộ tiền kỹ thuật số Alameda Research (cũng do ông Bankman-Fried sáng lập). Đồng thời, sàn tiền kỹ thuật số cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn và xuất hiện trước công chúng vào cuối tháng 11 và tháng 12 vừa qua, ông Bankman-Fried thừa nhận những thất bại trong quản lý rủi ro nhưng tìm cách tránh xa những cáo buộc gian lận, nói rằng ông không bao giờ cố ý "trộn lẫn" tiền của khách hàng trên FTX với tiền tại Alameda Research.
Từ góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, nếu bị kết tội gian lận chuyển tiền của FTX qua Alameda Research, ông Bankman-Fried có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Mark Cohen, luật sư của ông Bankman-Fried, chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Bảo Khánh (T/h)