Bão Katrina đổ bộ vào Bắc Đại Tây Dương tháng 8 năm 2005. Đây chính là cơn bão gây thiệt hại vật chất lớn nhất, và thiệt hại nhân mạng nhiều thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ. Theo thống kê, 1.833 người đã thiệt mạng vì siêu bão đáng sợ này.
Siêu bão Katrina đến nay vẫn còn được nhắc đến vì một lý do nữa: nó đã tạo ra một cuộc biển thủ, lợi dụng tiền cứu trợ kỷ lục gây chấn động.
Năm 2006, một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) đã phơi bày sự thật gây sốc: khoảng 1 tỷ USD (tương đương hơn 20.000 tỷ VNĐ) tiền cứu trợ dành cho các nạn nhân của cơn bão Katrina đã bị biển thủ. Điều đáng nói, số tiền này đã bị sử dụng cho những mục đích cá nhân như du lịch Hawaii, vé xem bóng đá, trang sức kim cương và thậm chí là cả phim ảnh khiêu dâm.
Tiền cứu trợ đã đi đâu?
Số tiền khổng lồ này được giải ngân thông qua các chương trình hỗ trợ nhà ở và thẻ ghi nợ do Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cung cấp cho những người mất nhà cửa sau bão. Tuy nhiên, theo lời khai được trình bày trước Ủy ban An ninh Nội địa, FEMA đã chi trả hỗ trợ nhà ở cho những người chưa bao giờ sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, bao gồm cả ít nhất 1.000 tù nhân. Thậm chí, cơ quan này còn thực hiện thanh toán cho những người đang sống trong phòng khách sạn miễn phí.
Ông Gregory Kutz - Giám đốc bộ phận Kiểm toán của GAO, cho biết: "FEMA đã trả hơn 20.000 USD cho một tù nhân". Không chỉ dừng lại ở đó, cơ quan này còn chi trả bồi thường thiệt hại tài sản cho một nghĩa trang ở New Orleans cho một người chưa bao giờ sống ở thành phố này, và một khoản khác cho một lô đất trống.
Những tiết lộ gây sốc này cho thấy mức độ trơ trẽn của hành vi gian lận trong việc cứu trợ bão Katrina. Các kiểm toán viên ước tính rằng khoảng 16% viện trợ của FEMA đã bị thất thoát do gian lận và con số thực tế có thể còn cao hơn. Ông Michael McCaul - Chủ tịch Ủy ban Điều tra An ninh Nội địa, nhận định: "Đây là một sự tấn công vào túi tiền của người đóng thuế Mỹ."
Để phơi bày hành vi gian lận, các nhà điều tra đã tự mình gửi đơn yêu cầu hỗ trợ giả mạo và sử dụng các phương pháp bí mật khác. Kết quả cho thấy, phần lớn các khoản thanh toán bất hợp pháp xảy ra do FEMA không xác minh danh tính của người yêu cầu hoặc xác nhận địa chỉ của họ.
Một trường hợp điển hình được GAO chỉ ra là việc FEMA đã thực hiện 26 khoản thanh toán cho một người nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản tại 13 địa chỉ khác nhau ở Louisiana, Mississippi và Alabama, sử dụng 13 số an sinh xã hội khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một trong số các số an sinh xã hội này là hợp lệ và hồ sơ tài sản cho thấy người này chưa bao giờ sống tại bất kỳ địa chỉ nào trong số 13 địa chỉ trên. Thậm chí, chỉ có 8 trong số 13 địa chỉ là có thật.
Bên cạnh đó, FEMA cũng chi trả tiền thuê nhà cho những người đã được hưởng dịch vụ lưu trú khách sạn sang trọng. Điển hình là trường hợp một người vừa được FEMA chi trả 8.000 USD tiền khách sạn ở Hawaii, vừa nhận được 2.358 USD tiền hỗ trợ thuê nhà.
Thẻ ghi nợ của FEMA cũng trở thành mục tiêu béo bở cho những kẻ có ý định gian lận. GAO phát hiện ra nhiều khoản chi tiêu không liên quan đến nhu cầu cứu trợ thảm họa, chẳng hạn như 3.700 USD cho đồng hồ, hoa tai và nhẫn kim cương; một kỳ nghỉ trọn gói một tuần ở Dominica; 200 USD cho rượu sâm panh Dom Perignon; pháo hoa; 1.000 USD cho một luật sư ly hôn ở Houston và một khoản tiền đáng kể cho các ấn phẩm khiêu dâm.
Mặc dù FEMA đã thu hồi được một phần số tiền bị sử dụng sai mục đích, nhưng cơ quan này vẫn chưa thể làm rõ được 381 thẻ ghi nợ trị giá khoảng 760.000 USD, tính đến thời điểm báo cáo được đưa ra.
Báo cáo của GAO nhấn mạnh: "Điều quan trọng là FEMA cần phải khắc phục những điểm yếu trong quy trình đăng ký để giảm thiểu nguy cơ xảy ra gian lận và thanh toán sai trước khi mùa bão mới đến".
Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm 2005, 49 người tại Mỹ cũng bị buộc tội đã dàn xếp lừa đảo lấy tiền cứu trợ của Hội chữ thập đỏ dành để cứu trợ cho các nạn nhân bão Katrina. Cơn siêu bão tàn khốc này không chỉ để lại rất nhiều thiệt hại mà còn khiến nước Mỹ chấn động vì những hành vi lợi dụng thiên tai để trục lợi cá nhân trắng trợn.
Nguồn: The Guardian
Chi Chi