Tiêu Yến (ở Trung Quốc) có một cô con gái 3 tuổi tên Tư Tư, vừa mới đi học mẫu giáo. Cô bé rất hoạt bát, lanh lợi.
Gần đây, thời tiết lạnh ẩm nên Tư Tư bị sổ mũi. Sau khi ăn tối tại nhà, Tiêu Yến cầm thuốc đến cho Tư Tư uống. Tuy nhiên, đột nhiên cô bé nắm chặt cốc nước và hét lên: “Cô giáo đã cho con uống thuốc buổi trưa rồi! Cô bảo con phải uống thuốc ở trường mẫu giáo!”
Lời của con gái khiến Tiêu Yến vô cùng hoang mang vì cô không hề nhờ cô giáo cho con uống thuốc.
Tiêu Yến tiếp tục hỏi con gái chi tiết hơn về việc uống thuốc ở trường. Tư Tư nghiêm túc nói: “Sau khi ăn trưa xong, cô giáo cho con uống thuốc rồi con sẽ đi ngủ!"
Nghe đến đây, Tiêu Yến vô cùng lo sợ, cô nghi ngờ cô giáo lén cho con cô uống thuốc linh tinh hoặc uống thuốc ngủ ở trường.
Ngay lập tức cô đã nhắn hỏi giáo viên của con, tuy nhiên cô giáo kiên quyết phủ nhận việc cho Tư Tư uống thuốc. Do đó, ngay ngày hôm sau, Tiêu Yến đã đến trường mẫu giáo và yêu cầu kiểm tra camera giám sát của lớp học. Nhưng sự thật lại khiến cô ngỡ ngàng.
Trong đoạn video giám sát, một bé gái khác trong lớp bị ốm và cần phải uống thuốc nên cô giáo đã đưa thuốc cho bé uống. Sau khi bé gái uống thuốc xong, cô giáo giơ ngón tay cái và liên tục khen ngợi cô bé.
Tư Tư đứng bên cạnh cầm cốc nước và quan sát suốt quá trình bạn uống thuốc. Sau đó, cô bé cũng bắt chước hành động uống thuốc của bạn và cười khúc khích.
Hóa ra, Tư Tư không hề uống thuốc ở trường, cô bé chỉ thấy bạn được cô giáo quan tâm đặc biệt nên mới bắt chước theo hành động uống thuốc của bạn và coi việc đó như thật sự đã xảy ra.

Cô giáo cho một bé gái uống thuốc trong lớp học. (Ảnh minh họa, nguồn: Sohu)
Hiểu lầm được giải quyết nên Tiêu Yến đã xin lỗi cô giáo và quay lại công ty làm việc. Tuy nhiên, cô cũng rất lo ngại về việc con mình còn bé nhưng đã nói dối.
Trẻ con nói dối có đáng lo ngại?
Theo trang Sohu, lý do khiến trẻ con nói dối thường khác với người lớn.
- Với trẻ từ 3-6 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ em có xu hướng nhầm lẫn giữa tưởng tượng với thực tế và chúng không cố ý nói dối.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng suy nghĩ của trẻ em từ 2-6 tuổi thường giống như một bộ phim nhập vai, nơi thực tế và trí tưởng tượng đan xen. Trải nghiệm chủ quan của đứa trẻ cũng vượt xa logic khách quan.
Ví dụ như trường hợp của Tư Tư, khi bé thấy bạn mình được khen vì uống thuốc, não bé lập tức nảy sinh ra viễn cảnh “mình cũng uống thuốc và được cô giáo chú ý tới”. Tưởng tượng này khiến Tư Tư rất vui vẻ, sự vui vẻ chân thực khiến cô bé tin chắc rằng mình đã uống thuốc. Tuy nhiên, thực tế cô bé không hề uống thuốc.
Những lời nói dối kiểu này cũng là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự phát triển nhận thức của trẻ. Trẻ em bắt đầu hiểu về các tình huống xung quanh và cố gắng sử dụng ngôn ngữ để xây dựng logic tường thuật của riêng mình. Đây là khởi đầu cho trí tưởng tượng và kỹ năng xã hội của trẻ, trang Sohu viết.
Mặc dù vậy, khi phát hiện trẻ nói không đúng sự thật, cha mẹ vẫn cần trò chuyện và giải thích với con để con phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế.
- Với trẻ em trên 7 tuổi
Từ 7 tuổi trở đi, lời nói dối của trẻ em thường là vì lợi ích của chính mình.
Trang Sohu cung cấp thông tin, khi thùy trán của trẻ phát triển dần, trẻ cũng dần phân biệt được giữa thực tế và hư cấu. Lúc này việc nói dối bắt đầu có mục đích rõ ràng, chẳng hạn như trẻ sẽ nói dối để tránh bị phạt, để được hưởng lợi,...
Ví dụ một đứa trẻ 7 tuổi làm vỡ bình hoa và nói dối rằng bình bị mèo chạy qua làm đổ. Lúc này cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và dạy trẻ rằng nói dối là hành vi không tốt.

Cha mẹ cần giáo dục con cái rằng nói dối là hành vi không tốt.
Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện trẻ nói dối?
Khi phát hiện con nói dối, nhiều cha mẹ bắt đầu trách mắng, thậm chí là đánh đập, tuy nhiên điều này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.
Theo các chuyên gia, khi phát hiện con nói dối, cha mẹ nên thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tạo cảm giác an toàn để trẻ nói thật, tránh đe dọa, mắng nhiếc trẻ.
Bước 2: Dẫn dắt trẻ đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề để trẻ nhận ra rằng khi làm sai, chúng ta cần nghĩ đến cách giải quyết và khắc phục hậu quả thay vì nói dối để lấp liếm sự thật.
Mộc Miên
Bình luận tiêu biểu (0)