Tính đến ngày 26/3, kênh YouTube Ben Eagle đang ghi nhận 19,5 triệu người đăng ký với khoảng 3,6 nghìn video, chủ yếu là các video ngắn (short). Với những con số kể trên, Ben Eagle đã vượt qua hàng loạt những YouTube đình đám như Cris Devil Gamer, Lâm Vlog để trở thành kênh có lượt người đăng ký nhiều nhất Việt Nam.
Được thành lập từ tháng 9/2021, kênh YouTube Ben Eagle chỉ mất 3 tháng để đạt nút bạc của YouTube, 9 tháng để đạt được nút vàng với hơn 1 triệu lượt đăng ký và 2 năm để cán mốc 10 triệu subs và đạt được nút kim cương của YouTube. Đây cũng là 1 đại diện của Việt Nam trong số 6 nhà sáng tạo nội dung thành công ở Châu Á Thái Bình Dương được YouTube giới thiệu trên trang Blog của nền tảng.
Hiện tại, kênh YouTube này đã vượt mốc 9,4 tỷ view trên YouTube, chủ yếu đến từ Shorts.
Ben Eagle cũng đang sở hữu tới gần 2.000 video có lượt xem triệu view, 13 video trên 100 triệu view – một con số đáng mơ ước mà bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào cũng ao ước. Nội dung trên kênh xoay quanh võ thuật được lồng ghép vào các tình huống đời sống, đồng thời cũng cập nhật các xu hướng gây chú ý trên mạng xã hội nên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng YouTube.
Thông thường, đối với các tài khoản YouTube tại Việt Nam, các YouTube sẽ được trả từ 0,3 đến 0,5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Nếu video đạt 1 triệu view thì số tiền thu về sẽ tương ứng khoảng hơn 7 triệu đồng.
Theo ước tính từ YouTubers.me, chỉ trong 30 ngày gần đây, với hơn 9,2 tỷ lượt xem video, thu nhập của kênh này có thể dao động từ 342.000 – 2,05 triệu USD (tương đường 8,4 đến 50,7 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tổng số lượt xem và thu thập trên kênh này trong 14 ngày gần đây cũng cho thấy nguồn doanh thu “khủng” về như thế nào. Chỉ riêng video mới nhất được đăng tải ngày 24/3 đã có trên 200 triệu view, tương đương số tiền dự tính thu về là 73.100 USD đến 439.000 USD (hơn 1,8 đến 10,8 tỷ đồng).
Mặc dù đây chỉ là những con số ước tính vì số tiền thực tế mà YouTube trả cho một kênh nội dung còn phụ thuộc nhiều yếu tố như lượt xem quảng cáo, chỉ số CPM – giá tiền trả cho mỗi 1.000 lượt xem video đính kèm quảng cáo; giá tiến trả theo mỗi lần người xem click vào quảng cáo để tới trang giới thiệu sản phẩm, thể loại quảng cáo, người xem video sống ở quốc gia nào… Tuy nhiên, chắc chắn con số mà YouTube phải trả về cho Ben Eagle sẽ không hề nhỏ.
Bên cạnh nguồn thu từ YouTube, thông thường với một kênh YouTube mạnh như Ben Eagle, vẫn có nhiều nguồn thu khác dành cho chủ kênh như quảng cáo sản phẩm, xuất hiện tại các sự kiện,..
Chủ nhân của Ben Eagle tên thật Trịnh Công Tuấn (sinh năm 1991), là võ sư, đạo diễn hành động, diễn viên đóng thế. Anh từng tham gia nhiều bộ phim ăn khách như Phúc Cọp, Bão Ngầm, Chị Mười Ba, Nghề Siêu Dễ, Kẻ Ẩn Danh, Gạo Nếp Gạo Tẻ, Người Trong Giang Hồ…trước khi tham gia sáng tạo nội dung giải trí trên các nền tảng Youtube, Tiktok.
Với sự sáng tạo đáng nể của một GenZ, Trịnh Công Tuấn đã thu hút người xem bằng những video có nội dung đầy mới lạ, đa dạng và sự đầu tư các nội dung chất lượng và thú vị.
Các YouTube cũng phải nộp thuế dựa trên thu nhập từ các nền tảng trực tuyến
Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các quy định về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đối với cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động kinh doanh trực tuyến như Youtube, Facebook, Google,... quy định cụ thể về từng mức thuế mà người nộp thuế phải áp dụng.
Theo đó, đối với các cá nhân có thu nhập từ Youtube, Facebook, Google và các nền tảng trực tuyến khác dưới mức 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ các nền tảng này phải tuân theo quy định về thuế. Mức thuế suất là 5% thuế giá trị gia tăng tính trên doanh thu và 2% thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu. Điều này đòi hỏi họ phải tự tính toán và đóng thuế cho thu nhập từ các hoạt động trực tuyến của họ.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)