Ngày 19/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, nữ bệnh nhân 15 tuổi, trú tại huyện Quảng Xương, mắc bệnh Whitmore đã tử vong sau hơn 2 tuần điều trị.
Gia đình bệnh nhân cho biết từ ngày 22/8 đến 30/8, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7 kg trong vòng 10 ngày. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 11/9, bệnh nhân được đưa đến phòng khám tư nhân trên địa bàn, khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh vẫn không giảm. Bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém.
Sau đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hóa) khám và điều trị với lý do sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động 39 - 40 độ C, người mệt mỏi. Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản, chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng suy tuần hoàn hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp, tím tái, hôn mê, nguy kịch.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nữ sinh nhiễm vi khuẩn Brukholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore. Ngoài mắc vi khuẩn trên, nữ sinh còn bị tiểu đường và béo phì. Dù được điều trị, hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu... song sức khỏe không cải thiện. Diễn biến bệnh nhân ngày càng nặng và đến chiều ngày 17-9 đã tử vong.
Whitmore (còn gọi bệnh Melioidosis) là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở.
Whitmore không gây dịch nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người có bệnh nền như tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...