Câu chuyện về pháo đài Por-Bazhyn, có nghĩa là "ngôi nhà đất sét" trong tiếng Tuva, bắt đầu 132 năm trước khi nhà dân tộc học Dmitry Klemments tìm thấy một pháo đài cổ trên hòn đảo tuyệt đẹp giữa hồ Tere-Khol - một trong những vùng khó tiếp cận nhất của Cộng hòa Tuva thuộc Liên bang Nga.
Tại đây, các tàn tích tạo thành một hình chữ nhật với mê cung bên trong, giống như một mandala của Phật giáo hoặc Ấn Độ giáo, hoàn toàn khác biệt so với bất cứ điều gì từng được phát hiện ở Tuva.
Theo các nhà khoa học, pháo đài rộng 3,5 ha này được xây dựng cách đây 1.300 năm. Dù vậy, nhiều bức tường vẫn còn nguyên vẹn, với sân bên trong chia làm hai phần, lối đi lát gạch và 36 cột gỗ đặt trên nền đá. Mặc dù được xây dựng ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt như Siberia, cao 2.299 mét so với mực nước biển, nhưng pháo đài này không có hệ thống sưởi ấm.
Khu vực trước bức tường phía đông giống như một quảng trường trước cung điện dùng cho các nghi lễ. Ở cuối quảng trường từng tồn tại một quần thể cung điện tráng lệ với các cột trụ. Các bức tường cao đến 10 mét, nền móng và cốt của các cột vẫn còn tồn tại.
Việc pháo đài trông rất cổ xưa không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, có vẻ như cư dân ở đó đã "biến mất" cùng với mọi đồ đạc, hầu như không để lại dấu vết nào về cuộc sống hàng ngày của họ. Điều gì đã xảy ra với những người sống ở Por-Bazhyn? Ai đã xây dựng pháo đài này? Ai đã tạo ra hồ nhân tạo bao quanh nó? Hay có lẽ đây không phải là một pháo đài? Các nhà khoa học vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Pháo đài kỳ bí
Hình ảnh một pháo đài bí ẩn giữa hồ xuất hiện trong văn hóa dân gian truyền miệng của người Tuva. Nổi tiếng nhất là câu chuyện cổ tích "Khả hãn có đôi tai lừa". Người dân địa phương coi hồ và pháo đài là nơi linh thiêng, tin rằng một con bò tót xanh tên "Maender" sống trong hồ: nó lên bờ vào ban đêm và nuôi sống bằng nỗi sợ hãi của con người.
Theo một thần thoại khác, ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn được giấu trên đảo này. Một số người tin rằng đây là lối vào Shambhala, vùng đất huyền thoại ở Tây Tạng mà Liên Xô từng tìm kiếm.
Pháo đài được nhà dân tộc học Klemments phát hiện là một địa điểm đáng kinh ngạc. Năm 1957, một đoàn khảo cổ học do Giáo sư Sevyan Vainshtein dẫn đầu đã được gửi đến đảo.
Ông Vainshtein nhớ lại: "Tôi đã tham gia các cuộc khai quật từ năm 1957 đến 1963. Cách duy nhất để đến đó là bằng máy bay nhỏ hoặc cưỡi ngựa. Chúng tôi-ba nhà khảo cổ và 15 công nhân-sống trong những căn lều trên hòn đảo giữa hồ".
Trên đảo, phía sau các bức tường pháo đài, họ đếm được 27 ngôi nhà có sân nhỏ, và khi khai quật một trong những gò đất, họ phát hiện tàn tích của một cung điện. Mái của nó được lợp bằng ngói đất sét và có 36 cột gỗ. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các bức bích họa trang trí với họa tiết hình học, được sơn bằng những màu sắc tươi sáng và ấm áp như đỏ, cam và vàng.
Ông Vainshtein nói: "Chúng tôi tìm thấy những phần còn lại của vũ khí, bình chứa, một kho sắt nấu chảy bằng lò và một bức tượng đất sét. Không có nhiều phát hiện vì cung điện đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn hơn 1.000 năm trước. Không biết điều gì đã xảy ra với cư dân của Por-Bazhyn vì chúng tôi không tìm thấy bộ hài cốt nào ở đó. Có thể họ đã phải chạy trốn."
Những giả thuyết
Cuộc thám hiểm vào những năm 1950-1960 dường như chỉ đặt ra thêm nhiều câu hỏi. Trong thời gian dài, các nhà nghiên cứu về Por-Bazhyn không rõ cấu trúc của nó thuộc loại nào. Có một số giả thuyết được đưa ra.
Nhà khảo cổ Vainshtein tin rằng pháo đài và cung điện được xây dựng bởi nhà cai trị người Duy Ngô Nhĩ, Bayanchur Khan, người cai trị một quốc gia Turkic cổ đại sống từ năm 713 đến 759.
Cũng có giả thuyết cho rằng pháo đài từng là một trạm gác trên Con đường Tơ lụa từ Trung Quốc đến châu Âu. Tuy nhiên, giả thuyết này không thuyết phục lắm vì pháo đài nằm ở một nơi hẻo lánh trên đảo giữa hồ.
Một giả thuyết khác cho rằng đây từng là căn cứ của bọn cướp chuyên tấn công các thương nhân, và điều này được cho là nguồn gốc của những tin đồn về kho báu được giấu trong các hầm ngầm của pháo đài.
Tuy nhiên, giả thuyết hợp lý nhất có lẽ là nơi này từng là một tu viện. Lịch sử Phật giáo có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Á, khu vực nằm trên con đường giao lưu giữa Ấn Độ-nơi Phật giáo khởi nguồn và Trung Quốc-nơi Phật giáo phát triển vào thời Trung cổ.
Ông Tigran Mkrtychev, Phó Tổng giám đốc phụ trách công trình khoa học tại Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông của Nga, đã phỏng đoán vào năm 2007: "Những gì tôi thấy trên các bức bích họa ở Por-Bazhyn rất giống với bố cục của các tu viện Phật giáo phát triển ở Trung Á, có thể vào thế kỷ 7-8 sau Công nguyên."
Ông Mkrtychev cũng không loại trừ khả năng đây là một tu viện của một tôn giáo phương Đông cổ đại khác—Mani giáo. Tôn giáo này, xuất phát từ Lưỡng Hà vào thế kỷ thứ 3, đã lan đến Hãn quốc Duy Ngô Nhĩ trong vài thế kỷ.
Ông Mkrtychev nói thêm: "Chúng ta quen thuộc với các tu viện Phật giáo, nhưng các tu viện Mani giáo thì ít được nghiên cứu hơn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm đảo năm 2007 cùng Hoàng tử Albert của xứ Monaco từng bày tỏ sự bối rối. "Tôi đã tới nhiều nơi và thấy nhiều thứ. Nhưng tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng thứ gì như thế này", ông Putin nói.