Được tìm thấy vào năm 1999 trong một cuộc khai quật trái phép cùng với một số thanh kiếm, rìu và vòng tay thuộc thời kỳ đồ đồng, đĩa Nebra Sky trở thành một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng bậc nhất tại Đức. Đến năm 2013, cổ vật này chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Thoạt đầu, nhiều người hoài nghi về tính xác thực của chiếc đĩa. Chẳng hạn, giáo sư Richard Harrison (chuyên về lịch sử châu Âu tại Đại học Bristol) từng bày tỏ nghi ngờ, cho rằng tác phẩm có thể chỉ là một trò lừa tinh vi. Thực tế, sự ngờ vực lúc bấy giờ là điều dễ hiểu, bởi ông chưa bao giờ tận mắt chứng kiến hiện vật. Tuy nhiên, sau khi trải qua quá trình phân tích khoa học kỹ lưỡng, đĩa trời Nebra đã được xác nhận là hiện vật chân chính và quý giá. UNESCO nhận định đây là minh chứng trực quan, lâu đời nhất ghi lại hiện tượng thiên văn từ khắp nơi trên thế giới.
Chiếc đĩa được chế tác bằng đồng, đường kính khoảng 30cm, nặng 2,2kg, bề mặt phủ lớp gỉ với sắc xanh lam và xanh lục. Bên trên, người xưa đã khảm các biểu tượng vàng: một mặt tròn biểu thị Mặt Trời hoặc Mặt Trăng, một Mặt Trăng lưỡi liềm, cùng hàng loạt vì sao, bao gồm chòm Tua Rua (Pleiades). Hai vòng cung bằng vàng được bổ sung sau này, với độ mở góc 82°, chính xác thể hiện vị trí Mặt Trời vào ngày hạ chí và đông chí tại vĩ tuyến Mittelberg. Một vòng cung bên dưới có hình dáng con thuyền mặt trời với nhiều mái chèo, và xung quanh viền đĩa có khoảng 40 lỗ khoan nhỏ.
Đĩa trời Nebra được coi là công cụ thiên văn cổ xưa, trong đó mỗi biểu tượng mang ý nghĩa riêng. Mặt Trời tượng trưng cho sự sống trải khắp châu Âu, Mặt Trăng ghi dấu sự trôi qua của thời gian trong ngày, còn con thuyền mặt trời ngụ ý Mặt Trời chuyển động xuyên màn đêm. Chòm sao Tua Rua, vốn xuất hiện từ tháng 3 và biến mất vào tháng 10, đóng vai trò quan trọng với nông nghiệp ở Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ đại, giúp người nông dân xác định thời điểm gieo trồng và thu hoạch.
Chất liệu chế tác đĩa cũng cho thấy sự giao thoa văn hóa rộng khắp châu Âu. Đồng được khai thác ở Trung Âu, trong khi vàng có xuất xứ từ Cornwall (Anh) hoặc Transylvania (Romania). Kiểu dáng của kiếm, rìu có nét đặc trưng của văn hóa Unetice (trải dài từ miền trung Đức đến Ba Lan và Cộng hòa Séc). Các vòng tay xoắn ốc giống với hiện vật tìm thấy ở Scandinavia và Ireland. Hình ảnh chòm Tua Rua được nhận biết trong nhiều nền văn hóa cổ, từ Lưỡng Hà đến Hy Lạp.
Đa số các nhà nghiên cứu tin rằng người châu Âu cổ đại sử dụng đĩa trời Nebra như một thiết bị thiên văn, hỗ trợ xác định thời điểm thích hợp (đông hay hè) để khởi đầu mùa vụ nông nghiệp. Trong quá khứ, các học giả cổ đã dựng nên những công trình đánh dấu bầu trời sao như vòng tròn Goseck hay Stonehenge, cho thấy con người sớm đã quan tâm đến các sự kiện thiên văn cơ bản như nhật thực, nguyệt thực.
Trước khi đĩa trời Nebra được phát hiện, các ghi chép sớm nhất về hình ảnh chòm sao cụ thể được cho là xuất hiện vào khoảng năm 1400 TCN ở Ai Cập. Nhờ khám phá này, hiểu biết của chúng ta về nhận thức vũ trụ của người xưa đã mở rộng và thâm sâu hơn rất nhiều.
Bất chấp sự nổi tiếng và tầm quan trọng của nó, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về đĩa bầu trời Nebra. Ví dụ:
• Ai đã tạo ra nó và mục đích của nó gì?
• Nó được sử dụng như thế nào và bởi ai?
• Độ chính xác của nó như một thiết bị thiên văn như thế nào?
• Làm sao nó lại đến được ngọn đồi Mittelberg?
• Tại sao nó được chôn cất và khi nào?
• Làm thế nào nó tồn tại được hơn 3.000 năm mà không bị ăn mòn hay phá hủy?
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nó là thật và có niên đại khoảng năm 1.600 trước Công nguyên (tức là 3.600 năm tuổi) dựa trên các phân tích khoa học về chất liệu, kiểu dáng, bối cảnh và đặc điểm thiên văn của nó.
Theo Harald Meller giám đốc bảo tàng nhà nước ở Halle, nơi đang lưu trữ chiếc đĩa cho biết: “Các quy tắc thiên văn sẽ không thể được mô tả nếu không trải qua quá trình quan sát chuyên sâu trong suốt nhiều thập kỷ. Cho đến khi đĩa trời Nebra được phát hiện, cũng chẳng ai nghĩ rằng người xưa lại có kiến thức và khả năng thiên văn chính xác đến dường này”.