Bỗng nhiên thành… người nợ thuế
Theo Báo Công Thương ghi nhận phản ánh của anh anh N.V.L (33 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành đối tác tiếp thị liên kết với Shopee từ năm 2023. Chỉ trong năm này, tổng doanh thu từ hợp tác với Shopee của người này là hơn 6 tỷ đồng, phía Shopee đã trích số tiền hơn 600 triệu đồng từ tổng doanh thu, tương đương với 10% nộp về cơ quan thuế. Tuy nhiên, vừa qua khi truy cập ứng dụng eTax Mobile của cơ quan thuế, anh L bất ngờ khi biết bản thân đang có nguy cơ nợ hơn 2 tỷ đồng tiền thuế.
Để đạt được doanh số hơn 6 tỷ đồng, bản thân anh L cùng các cộng sự của mình đã phải đầu tư rất nhiều cho các khâu marketing, số tiền nhận được cũng được chia cho nhiều người chứ không phải một mình anh được nhận.
“Trong bảng kê khai nộp thuế mà phía Shopee báo cáo lên cơ quan thuế thì toàn bộ doanh thu đó đươc kê là tiền công, tiền lương, chưa đúng với việc hợp tác kinh doanh là đối tác tiếp thị liên kết với Shopee”, anh L. cho biết, cách kê khai này sẽ khiến cho toàn bộ doanh thu của anh sẽ áp theo mức thuế lũy tiến cao nhất lên tới 35%.
Tương tự trường hợp anh Q là trường hợp của anh T.H.Q (31 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã có thời gian làm đối tác tiếp thị liên kết với shopee trong 2 năm. Ban đầu, anh này cũng bị trừ 10% thuế thu nhập các nhân đối với công việc này. Tuy nhiên, đến khi phát hiện được bản thân đang bị nợ thuế với số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng, anh này mới thực sự “tá hỏa”.
Việc Shopee tự ý kê khai đối tác tiếp thị liên kết thành người lao động được trả lương là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận từ hoạt động hợp tác chỉ đạt khoảng 10-15%. Nếu áp theo cách kê khai và chính sách thuế như hiện nay, mức thuế có thể phải nộp thêm lên tới 35% thì các đối tác của Shopee không chỉ làm không công mà còn bị lỗ nặng.
Về vấn đề này, bà Trần Quỳnh – đại diện Công ty TNHH Shopee khẳng định, công ty luôn tuân thủ các quy định về pháp luật về kê khai và nộp thuế thu nhập của các đối tác tiếp thị liên kết theo quy định.
Bà Trần Quỳnh cho biết thêm, nếu cá nhân tham gia chương trình tiếp thị liên kết thực sự đã đăng ký là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh hoặc công ty cung ứng dịch vụ thì phải xuất được hóa đơn dịch vụ cho Shopee theo quy định và hướng dẫn đã nêu khi tham gia chương trình và thực hiện việc kê khai nộp thuế khoán, nộp thuế từng lần phát sinh hoặc khai thuế theo định kỳ hàng năm với cơ quan thuế quản lý tại địa phương.
Bà này khẳng định "Có thể nói rằng không phải tất cả các cá nhân tham gia chương trình tiếp thị liên kết của Shopee đều là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đã đăng ký mã số thuế để cung ứng dịch vụ có liên quan và có thể cung cấp hóa đơn dịch vụ phù hợp theo quy định. Chúng tôi vẫn đang nhận được dịch vụ từ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký dịch vụ tiếp thị, môi giới và việc thanh toán phí dịch vụ dựa trên đối soát, cung cấp hóa đơn dịch vụ hợp lệ vẫn diễn ra bình thường".
Nhiều vấn đề tồn tại
Theo báo cáo mới của Công ty phân tích và tư ván phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECT cho biết, quý đầu năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tới 53.740 tỷ đồng mua sắm trên Shopee. Đây cũng là sàn TMĐT dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam với 67,9% thị phần tính theo tổng giao dịch (GMV).
Mặc dù chiếm lĩnh thị phần lớn về TMĐT ở Việt Nam, tuy nhiên thời gian qua, Shopee cũng không tránh khỏi những lùm xùm trong hoạt động quản lý, kinh doanh và hợp tác đối với các đối tác bán hàng của mình. Gần đây nhất, tháng 3/2024, nhiều người bán hàng trên Shopee cũng tố sàn TMĐT này giam tiền bán hàng quá lâu. Khi có sự phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí thì sàn này mới lên tiếng và từng bước hoàn tiền lại cho các chủ shop.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời đại diện của Shopee, hiện nay các sàn thương mại điện tử lớn ở các nước phát triển thậm chí cho phép người mua có thể trả hàng với bất kỳ lý do nào trong thời gian lên tới 90 ngày, cụ thể Amazon là 30 ngày, Temu là 90 ngày. Tuy nhiên, với bất kỳ một chính sách nào, sẽ luôn có những đối tượng cố tình trục lợi, nên đội ngũ nhân viên của sàn phải thường xuyên nâng cấp hệ thống nhận diện hành vi nhằm đảm bảo được sự cân bằng về chi phí và rủi ro cho sàn và người bán.
Trước đó, cuối năm 2023, Shopee cùng một số sàn TMĐT khác được cho là không quản lý triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu bày bán công khai. Ông Trần Ngọc Linh, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì “Chỉ vài thao tác” là có thể tìm kiếm các sản phẩm làm giả, làm nhái thương hiệu tại đây (sàn TMĐ).
Liên quan tới nghĩa vụ kê khai và nộp thuế, báo Thanh Niên dẫn lời ông Bùi Trung Hiếu, đại diện Cục Thanh kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thông tin VN hiện có hơn 330 sàn TMĐT đang thực hiện nộp tờ khai thuế định kỳ đối với đơn vị, cá nhân người bán hàng để thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhưng thực tế kiểm tra vẫn phát hiện nhiều vụ vi phạm, sử dụng chiêu trò lách luật, trốn thuế. Cụ thể là vi phạm về chi phí, các sàn TMĐT chưa nộp thuế cho phần doanh thu hợp tác kinh doanh; kê khai thiếu thuế nhà thầu; chi phí quản lý không đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Các cá nhân, đơn vị kinh doanh online có hành vi che giấu doanh thu, không kê khai đầy đủ doanh thu từ tiền mặt… để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Anh Nguyễn (tổng hợp)