Giết chồng vì số tiền 326 triệu đồng
Bà Trịnh Thị Vẽ (SN 1967), sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1988, bà Vẽ kết hôn cùng ông N.V.B.
Bà Vẽ làm công nhân ở quận Tân Phú, TP.HCM, còn ông B. làm quản gia cho một gia đình ở Tân Bình. Cuộc sống tuy túng thiếu nhưng đầm ấm, hạnh phúc.
Ông bà chắt chiu mua được một căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn. Cũng từ mái nhà đơn sơ ấy, ông bà sinh được 3 người con gái.
Năm 2018, bà Vẽ vay lãi số tiền 326 triệu đồng của 8 người cùng công ty để đưa cho ông B. cho một người quen vay mua nhà, mỗi tháng người này sẽ trả lãi 15 triệu đồng. Hai tháng đầu ông B. đưa cho vợ đủ tiền lãi nhưng sau đó ông không đưa nữa.
Dân trí thông tin, vào khoảng ngày 19/1/2019, khi bà Vẽ đang chuẩn bị thức ăn cho ngày mai thì ông B. nói cho vợ biết mình đã đánh đề hết số tiền 326 triệu đồng mà bà Vẽ vay, khiến hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn cãi nhau.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền bỗng đổ sập lên vai người đàn bà lam lũ, khiến bà suy sụp. Hai ông bà cãi vã.
Tức giận, bà Vẽ dùng chày gỗ đập vào đầu của ông B., khiến ông gục xuống giường, rồi cầm dao sát hại chồng. Sau đó bà Vẽ lấy cái chày và con dao đem vào nhà vệ sinh rửa sạch rồi để lại chỗ cũ trên kệ bếp.
Đế che giấu hành vi phạm tội, bà Vẽ giả danh chồng viết một bức thư tuyệt mệnh với nội dung “ông B. đang nợ người khác 300 triệu đồng và dùng số tiền bảo hiểm để trả nợ..., đừng trách tội mẹ cả" rồi để trên đầu giường nơi ông B. nằm.
Đến khoảng 3h sáng hôm sau, bà Vẽ gọi điện thoại cho con gái báo tin ông B. bị người khác vào nhà giết chết và kêu con gái về nhà gấp.
Sau khi gọi điện thoại cho con gái, bà Vẽ đứng trước nhà giả vờ tri hộ và khóc báo tin cho hàng xóm biết có người đột nhập vào nhà giết chết ông B.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bà Vẽ đã sát hại chồng mình. Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo Vẽ thừa nhận hành vi phạm tội như trên.
Tòa tuyên án
Ngày 26/2/2020, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Thị Vẽ về tội Giết người.
Trước bục khai báo là người đàn bà ngoài 50 tuổi, mái tóc búi rối sau ót đã bạc quá nửa, khuôn mặt hằn lên sự khắc khổ.
Theo báo Tuổi trẻ, suốt cả phiên tòa, bà chỉ khóc. Nước mắt, nước mũi khiến tai bà ù đi đến nỗi người con gái lớn ngồi bên cạnh phải liên tục nhắc lại câu hỏi của tòa dành cho mẹ: "Mẹ giết ba như thế nào?", "Khi nào mẹ biết ba chết?", "Mẹ phải nghe rõ rồi hãy trả lời"...
Bà Vẽ nói rằng nhiều chi tiết trong vụ án bà không nhớ bởi “lửa giận phừng phừng cháy lúc ấy đã thiêu đốt tâm trí” của bà, tới khi thức tỉnh thì sự việc đã rồi.
Sự thất vọng, ức chế cùng cực khiến bị cáo không thể giữ được bình tĩnh, tước đoạt tính mạng của nạn nhân mà không kịp suy xét hậu quả, và xin HĐXX xem xét cho bị cáo về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nhưng không được chấp nhận.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bị cáo chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội trong cáo trạng. Hành vi trên mang tính chất côn đồ. Sau khi gây án, bị cáo còn tạo chứng cứ giả khiến cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn.
TAND TP.HCM tuyên phạt bà Vẽ mức án chung thân về tội Giết người. Chắc hẳn trong thâm tâm người đàn bà ấy, không có mức án nào đau đớn bằng việc đã tự tay hủy hoại hạnh phúc gia đình mình.
Khi lật lại các vụ án mạng xuất phát từ Bi kịch Tình-Tiền, ĐS&PL không chỉ nhìn nhận tính nhân văn trong việc răn đe, phòng ngừa mà còn thấy sự phá án tài tình, những chiến công và hy sinh thầm lặng của lực lượng công an.
Việc phân tích chi tiết các vụ án không chỉ giúp nhận diện những động cơ tội ác, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ về hậu quả của lòng tham vô đáy và sự bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Đây là cách để giáo dục cộng đồng về giá trị của sự công bằng, đồng thời cảnh báo những ai có ý định phạm tội về sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật mà họ có thể phải đối mặt.