Kiev công bố đoạn ghi âm hé lộ về quân Triều Tiên tới Nga
Hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin, Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine mới đây công bố các đoạn ghi âm do họ thu thập được, trong đó ghi lại một đoạn đối thoại của quân nhân Nga về lực lượng Triều Tiên.
Theo đoạn ghi âm, quân nhân Nga đang đề cập tới một tiểu đoàn Triều Tiên được cử tới Nga có mật danh là “Tiểu đoàn K”, đồng thời đề cập tới việc phía Nga có kế hoạch bố trí 1 phiên dịch viên và 3 sĩ quan cấp cao phụ trách mỗi nhóm gồm 30 lính Triều Tiên.
Tình báo Ukraine cho biết, đoạn ghi âm này đã bị chặn từ các kênh liên lạc được mã hóa của Nga vào đêm 23/10. Đáng lưu ý, trong đoạn ghi âm, một quân nhân Nga tiết lộ rằng, "sẽ có tới 77 chỉ huy tiểu đoàn đến vào ngày mai (24/10), có cả chỉ huy, phó chỉ huy...".
Trước đó, tờ New York Times (NYT) dẫn lời hai quan chức Mỹ đề cập thông tin tương tự rằng, trong ngày 23/10, nhóm lính Triều Tiên đã thực hiện hành trình dài gần 6.500km tới Kursk, những ngày sau đó đều có thêm các nhóm lính khác.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte sau đó xác nhận “quân đội Triều Tiên đã được điều đến Nga và các đơn vị quân đội Triều Tiên được triển khai đến tỉnh Kursk”.
Phản hồi về thông tin quân đội Triều Tiên tới Kursk, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/10 cho biết: “Tổng thống Putin đã nói về chủ đề này trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, tôi không có gì để nói thêm”.
Tại cuộc họp báo ngày 24/10, Tổng thống Vladimir Putin đã không phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đưa quân tới Nga. Khi được hỏi về hình ảnh vệ tinh cho thấy sự di chuyển của quân đội Triều Tiên, ông Putin nói: "Hình ảnh là một vấn đề lớn. Nếu có hình ảnh thì chúng phản ánh điều gì đó".
Người đứng đầu Điện Kremlin sau đó đề cập đến Điều 4 của Hiệp ước hợp tác giữa Nga với Triều Tiên, liên quan đến vấn đề phòng thủ chung. Trong đó nêu rằng Nga và Triều Tiên có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một phía bị tấn công.
Bình luận trên tờ Moskovsky Komsomolets (Nga), chuyên gia quân sự Nga Alexey Sukonkin dự đoán, sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ Nga sẽ sớm được công bố chính thức, sau khi ông Putin ký ban hành Hiệp ước.
Cách ứng phó của Ukraine
Theo Business Insider, để ứng phó với lực lượng Triều Tiên tại Kursk, Ukraine đang triển khai chiến thuật “thu phục lòng người”. Họ muốn sử dụng “những chiếc giường êm ái và những bữa ăn ấm áp” để đổi lấy sự đầu hàng của binh sĩ Triều Tiên.
“Gửi đến những người lính Quân đội Nhân dân Triều Tiên: Các bạn không cần phải bỏ mạng một cách vô nghĩa ở một quốc gia khác” – Cơ quan tình báo quân Ukraine đăng tải nội dung tuyên truyền nên kênh Telegram “I want to live” (Tôi muốn sống).
“I want to live” được giới thiệu là một dự án “tạo điều kiện cho những người lính Nga muốn quy hàng” bằng cách gọi đến đường dây nóng của Kiev. Quyền truy cập vào đường dây nóng và chatbot này đã bị chặn tại Nga vào tháng 10/2022, tuy nhiên, người dùng vẫn có thể truy cập qua VPN.
“Hãy đầu hàng! Ukraine cung cấp cho các bạn đầy thủ sự bảo vệ, đồ ăn và sự ấm áp” – Thông báo tuyên truyền của Ukraine nêu rõ, đồng thời đề cập rằng, những người lính Nga đầu hàng trước đó “đều đang sống trong doanh trại một cách thoải mái” và được “ăn 3 bữa nóng hổi mỗi ngày”.
Ngoài thông báo tuyên truyền này, Ukraine còn đăng tải một đoạn video bằng tiếng Hàn để giới thiệu trại tù binh chiến tranh, cũng như các bữa ăn được phục vụ tại đó. Đoạn video – được đăng trên mạng xã hội X và Youtube – kết thúc bằng số điện thoại và mã QR dành cho những người lính Triều Tiên muốn liên lạc với chính quyền Ukraine.
“Cơn địa chấn” chính trị đã bắt đầu
Theo hãng tin Reuters (Anh), Triều Tiên và Nga đang gây ra “cơn địa chấn” chính trị với động thái ở Ukraine.
Ngày 29/10, NATO thông báo hàng nghìn quân Triều Tiên đang tiến về tiền tuyến, đồng thời nhấn mạnh đây là một diễn biến khiến Kiev phải kêu gọi thêm vũ khí và kêu gọi một kế hoạch quốc tế để ngăn chặn những đội quân đó.
Cũng trong ngày này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông lo ngại về thông tin quân Triều Tiên tới Kursk, đồng thời lưu ý rằng, Kiev nên đáp trả “nếu lực lượng Triều Tiên vượt biên vào Ukraine”.
Trước đó, Washington tuyên bố sẽ cân nhắc việc để Ukraine dùng vũ khí Mỹ không giới hạn nếu quân Triều Tiên tham chiến.
Theo Lầu Năm Góc, các dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga có thể triển khai binh sĩ Triều Tiên vào vai trò bộ binh.
“Chúng tôi lo ngại rằng Nga có ý định sử dụng những người lính này trong chiến đấu hoặc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine tại Kursk” – Thiếu tướng Patrick Ryder, đại diện phát ngôn Lầu Năm Góc cho hay.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), số lượng binh lính Triều Tiên được điều tới Nga "khiến điều này không chỉ là một nỗ lực mang tính biểu tượng". Tuy nhiên, “quân đội Triều Tiên có thể sẽ đóng vai trò hỗ trợ và chiếm chưa đến 1% lực lượng Nga”.
"Nga đang rất cần thêm nhân lực và đây là một yếu tố trong nỗ lực của Nga nhằm lấp đầy hàng ngũ mà không cần huy động lần thứ hai" – CSIS nhận định, đồng thời lưu ý rằng sự hiện diện của lực lượng Triều Tiên có thể tăng lên trong thời gian tới.
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây cho biết quân đội Triều Tiên cũng có khả năng sẽ đóng vai trò chính trị đối với Nga và Triều Tiên, củng cố vị thế của họ trong quan hệ với Trung Quốc và gửi một thông điệp tới Mỹ, cũng như các đồng minh của Washington.
Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định với Reuters rằng một vài nghìn quân Triều Tiên sẽ không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến, do đó đây có thể là nỗ lực của Nga nhằm nhấn mạnh với Mỹ rằng Moscow có thể làm phức tạp thêm tình hình nếu họ muốn.
Lầu Năm Góc ước tính 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai đến miền đông nước Nga để huấn luyện và quân đội Nga hiện đang tổ chức dạy thuật ngữ quân sự cho binh lính Triều Tiên.
Đổi lại việc Bình Nhưỡng điều quân, Moscow được cho là đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực của Triều Tiên nhằm triển khai một đội vệ tinh do thám.
Minh Nhật