Biển cấm xe gắn máy có hình dạng như thế nào?
Xe gắn máy: Phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động của xe gắn máy là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.
Theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm xe gắn máy được ký hiệu là P.111a, là một trong loại biển báo giao thông thuộc nhóm biển báo cấm - biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
Biển báo cấm xe gắn máy có dạng hình tròn, viền màu đỏ và nền màu trắng. Trên nền trắng có hình vẽ xe máy màu đen với một vạch chéo màu đỏ từ trên xuống theo chiều từ trái sang phải.
Biển báo cấm xe gắn máy được bố trí trên đường để báo hiệu đoạn đường phía trước cấm xe gắn máy đi qua. Biển này có giá trị trên các làn đường có cắm biển này. Lưu ý, biển. Biển báo cấm xe gắn máy không có giá trị hiệu lực đối với phương tiện là xe đạp.
Biển báo này được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm, có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi.
Nếu như một số biển cấm khác phải có biển báo hiệu hết hiệu lực cấm, biển báo cấm xe gắn máy không cần quy định phạm vi có hiệu lực của biển, không có biển báo hết cấm.
Những quy định về lỗi đi vào đường có biển cấm xe gắn máy
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người tham gia giao thông đi vào đường cấm sẽ bị phạt lỗi “Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm”.
Cách xác định lỗi không tuân thủ biển báo cấm xe gắn máy
Hành vi không tuân thủ biển báo thường bị nhầm lẫn với lỗi sai làn, phần đường. Trên thực tế, người tham gia giao thông thường phạm lỗi này tại khu vực đường giao nhau, có đặt biển R.411 báo “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo”.
Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe gắn máy cố tình đi vào khu vực có biển báo P.104 hoặc P.111a tức là đã vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ.
Mức phạt khi vi phạm biển cấm xe gắn máy
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người tham gia giao thông khi đi vào đường có biển cấm xe gắn máy và xe môtô, xe máy như sau:
Đối tượng bị xử phạt khi vi phạm: Người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe máy, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); Người điều khiển các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng với hành vi: Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (theo điểm i Khoản 3 Điều 6).
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đối với loại phương tiện đang điều khiển (theo điểm b Khoản 7 Điều 6).
Hình thức xử phạt bổ sung: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng tùy mức độ nặng nhẹ của hành vi.
Như vậy, khi đi vào đường có biển cấm xe gắn máy, xe môtô, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt hành chính mà còn có thể bị tước Giấy phép lái xe. Hơn nữa, việc tuân thủ theo cảnh báo của biển cấm là hành động tôn trọng pháp luật và thể hiện sự văn minh của mỗi người dân và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Đối chiếu với các văn bản pháp luật, xe máy điện cũng là phương tiện thuộc xe gắn máy. Do đó người điều khiển loại hình phương tiện này cũng cần tuân thủ các quy định về biển báo cấm và các tình huống không được thực hiện trong quá trình lưu hành.