Tại Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế. Tại các quốc gia ở châu Âu hay các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, 4 lần "Tổng điều tra dân số và nhà ở" gần nhất cho thấy mức sinh của hầu hết các vùng kinh tế - xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long "giảm rất sâu".
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế - phát biểu tại hội thảo.
Hiện nay, mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam bộ chỉ sinh 1,56 con/phụ nữ, Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Nếu mức sinh về dưới 1,3 con/phụ nữ thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế.
Trong khi đó, mức sinh ở TP.HCM chỉ là 1,24 con/phụ nữ, tương đương các nước châu Âu phát triển.
Tại một số vùng khác như Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc, mức sinh giảm nhưng vẫn ở mức cao, trên 2,4 con/phụ nữ. Mức sinh ở đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung đang tăng trở lại.
Với hiện trạng này, ông Sơn cho biết Cục Dân số đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
"Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2, mục đích là trong quá trình mang thai, phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe", ông Sơn nói.
Cũng theo đó, dự thảo cũng đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, thay vào đó cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Nếu không có biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại, ông Sơn nói.
TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Bộ Y tế - cho biết Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tổng suất sinh giảm mạnh trong nhiều thập kỷ qua.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn... Hậu quả dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm.
Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó, nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).
Bình luận tiêu biểu (0)