Nhà Thanh hay còn được gọi là Mãn Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Những bức ảnh cũ được chụp lại ở thời điểm này luôn là tư liệu quý giá mang đến cho chúng ta cái nhìn thực tế hơn về triều đại này, khác hẳn những cảnh tượng thường thấy trong các bộ phim nổi tiếng.
Đặc biệt, có một bức ảnh chụp 3 bé gái triều Thanh đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Dù 3 cô bé trạc tuổi nhau nhưng qua cách ăn mặc hoàn toàn có thể phần nào đoán ra thân phận có sự khác biệt rõ rệt của họ.
Cô bé ở giữa ngồi trên ghế, quần áo sạch sẽ, gương mặt nhẹ nhàng với nhiều trang sức tinh xảo đeo trên người khiến nhiều người khẳng định đây chính là tiểu thư của một gia đình quyền quý. Đặc biệt, điều khiến người ta chú ý là bàn chân “gót sen” được bó chặt trong đôi giày nhỏ. Đây là biểu tượng cho sắc đẹp và sự quyền quý của người phụ nữ Trung Quốc trong xã hội phong kiến xưa kia.
Ngoài ra, cô bé đứng bên phải bức ảnh có lẽ là nha hoàn nhất đẳng - những nha hoàn thân cận và ở một vị trí cao hơn. Bởi cô bé này chân có mang giày và đeo một số trang sức trên người.
Cuối cùng, cô bé đứng bên trái có thể là người với địa vị thấp nhất khi hoàn toàn đi chân đất và không có trang sức kèm theo, quần áo cũng là vải với chất liệu khá thô và nhăn nhúm.
Tục bó chân gót sen của Trung Quốc
Những bàn chân nhỏ xíu do bị bó chặt của phụ nữ Trung Quốc xưa được gọi bằng những cái tên mỹ miều như "gót sen" hay "gót huệ". Họ quan niệm rằng, việc bị bó chân sẽ khiến người phụ nữ đi không vững, giống như những cành sen đong đưa trong gió.
Tục bó chân ở Trung Quốc gần như đã trở thành một nét truyền thống của phụ nữ đất nước này trong suốt thời phong kiến. Nhiều người cho rằng, tục lệ này đã phần nào phản ánh rõ quan niệm, định kiến xã hội của người Trung Quốc xưa.
Để có được đôi chân bó nhỏ nhắn “gót sen ba tấc”, người phụ nữ xưa đã phải chịu đau đớn suốt một thời gian dài. Mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2 - 5 tuổi - khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện.
Đầu tiên, chân của các bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Sau đó, những người bó chân sẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi bàn chân rồi dùng lực mạnh để bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. Xương vòm bàn chân bị bẻ gãy, tiếp đến cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong băng vải.
Băng vải sẽ được tháo ra định kỳ để rửa và xoa bóp. Tuy nhiên, những lần sau đó, chân của các cô gái sẽ càng bị bó chặt hơn.
Không những thế, người xưa còn đánh thật mạnh vào lòng bàn chân của các bé gái, làm vỡ nát các xương. Khi vải được quấn lại, cô gái còn bị buộc phải đi lại trên nền nhà để bàn chân biến dạng hơn nữa.
Sau 2 năm, bàn chân sẽ giữ nguyên hình dạng trong suốt cuộc đời sau đó. Những biến chứng thường gặp là bàn chân bị sưng, chảy mủ và thậm chí còn bị hoại tử do nhiễm trùng.
Theo nhiều tài liệu, người đầu tiên khởi xướng tục bó chân là một cung phi thời Nam Đường (937 - 975). Chính điệu múa với bàn chân quấn lụa của cung phi kia đã làm xiêu lòng hoàng đế và khiến những cung phi khác bắt đầu làm theo.
Dần dần, tập tục này lan ra nhiều vùng tại Trung Quốc, đến mức người con gái không có bàn chân bó sẽ bị khinh thường. Đặc biệt hơn, con gái quý tộc không bó chân chỉ có cơ hội lấy chồng ở đẳng cấp kém hơn, còn con gái những nhà nghèo thì dễ bị coi thường và bán làm nô lệ.
Bên cạnh đó, người xưa tin bó chân còn là phương pháp để gắn kết phụ nữ với gia đình. Lý do là bởi với bàn chân bó chặt đau đớn, phụ nữ sẽ ít đi lại hơn, từ đó sẽ ở nhà chăm sóc chồng con một cách chu toàn. Ngoài ra, việc dồn lực vào bắp đùi và vùng hông còn tạo cho người phụ nữ vóc dáng hấp dẫn hơn nhiều trong mắt người khác phái.
Nguồn: Sohu, BuzzFeed
Phạm Trang