Bài viết của tác giả Lưu trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Khi còn trẻ, tôi luôn theo đuổi suy nghĩ nếu tiêu hết tiền, bản thân có thể kiếm được nhiều hơn. Kết quả là đến tuổi trung niên, tôi lại trở thành kẻ chắt bóp vì sai lầm trong quản lý tài chính ở quá khứ. Nhiều người không biết rằng tiết kiệm tiền cũng là bộ môn cần rèn luyện, không phải cứ chọn món đồ rẻ hơn nghĩa là bạn sẽ giữ được nhiều tiền hơn trong túi của mình.
Luôn chọn đồ rẻ hơn mà không cân nhắc kỹ chất lượng
Một blogger họ Lâm (Trung Quốc) từng chia sẻ câu chuyện mua máy tính để phục vụ công việc của bản thân. Nghĩ rằng chỉ cần mua chiếc laptop đủ chức năng cơ bản nên anh đã chọn loại giá rẻ. Không lâu sau, màn hình máy tính bắt đầu gặp vấn đề. Một lần khác, khi anh Lâm đang gấp rút hoàn thành bản thảo vì pin lại phồng lên. Anh Lâm lập tức mang máy đi sửa, vừa tốn tiền lại mất thời gian. Cuối cùng, blogger quyết định thay máy tính mới.
Nhiều người giống như anh Lâm, thích món đồ A nhưng nếu thấy món B nhiều điểm tương đồng mà rẻ hơn, sẽ ngay lập tức chọn món B. Kết quả là "tiền nào của nấy", nhiều khả năng vẫn phải mua lại món A ban đầu. Như blogger họ Lâm thừa nhận: "Tôi tưởng mình có thể tiết kiệm được số tiền chênh lệch giữa A và B, nhưng cuối cùng tôi lại tiêu tiền cho cả A và B".
Nhiều cư dân mạng cũng đồng tình với câu chuyện của blogger này, chia sẻ cả những trải nghiệm khi cố gắng mua sản phẩm rẻ nhưng cuối cùng lại chi nhiều hơn. "Đồ rẻ hơn chỉ vui lúc mua, khả năng rất cao chất lượng không tốt nên lại là sự lãng phí. Hãy chọn món đồ làm bạn hạnh phúc mỗi ngày khi sử dụng chúng, đó mới đáng giá", một người để lại bình luận.
Săn đồ giảm giá để tích trữ
Chàng trai Trần Vĩnh Hạo (26 tuổi, Trung Quốc) có thói quen săn đồ giảm giá mỗi khi các sàn thương mại điện tử có chương trình khuyến mại. Kết quả là anh thường xuyên mua nhiều đồ mà bản thân không có nhu cầu, mua quần áo cũng chưa mặc đến lần thứ 2. Trên thực tế, mua hàng khi giảm giá làm bạn hưng phấn và "chốt đơn" nhiều hơn, tưởng tiết kiệm hoá ra lại lãng phí vô ích.
"Một chai mật ong 50 NDT, 2 chai 70 NDT nên tôi mua hẳn 2 chai để dùng dần. Thế nhưng gần 1 năm tôi còn chẳng dùng hết chai thứ nhất, chai thứ 2 hỏng luôn rồi", cư dân mạng họ Lý cho biết.
Nhiều món đồ không phải thứ chúng ta thực sự cần nhưng lại thu hút bởi giá thấp, nếu không mua sẽ cảm thấy mình bị lỗ. Kết quả chính là chúng ta tạo cơ hội để tiêu tiền nhiều hơn. Dưới bài đăng của mình, chàng trai Trần Vĩnh Hạo kết luận: "Nếu không kiềm chế được thói quen săn đồ giảm giá của mình, bạn không chỉ tốn tiền bạc mà còn lãng phí cả thời gian.
Đừng nghĩ quá nhiều về việc phải mua nhiều để tích trữ, mua đủ dùng là tốt nhất. Đảm bảo bản thân tiêu tiền cho những thứ thiết yếu, thay vì mua chỉ vì chúng giảm giá. Cuối cùng là hãy dọn dẹp không gian sống thường xuyên để biết mình đang có gì và thiếu gì".
Nhiều người cho rằng cách tiết kiệm tốt nhất là không mua gì nhưng với trải nghiệm của người đã bước qua tuổi 50 như tôi, biết mình thực sự cần gì là việc quan trọng nhất. Khi hiểu rõ bản thân, bạn sẽ biết cách đầu tư tiền bạc và thời gian đúng đắn. Quan điểm tiêu dùng trưởng thành nhất chính là: "Tôi sở hữu những vật chất tốt hơn nhưng sẽ chỉ chọn những gì phù hợp với mình".
Nhà văn Trung Quốc Phong Đường từng viết bài báo "Một người cần phải tiêu hết bao nhiêu tiền trong đời?". Kết luận của ông là thực sự nhiều vô kể, muốn tiêu nhiều thì cũng phải có năng lực làm ra lượng của cải tương xứng. Thế nhưng không ít người lại theo đuổi lối sống vượt quá khả năng chi trả của bản thân, điều đó khiến họ khó hạnh phúc. Hãy học cách nhìn nhận mối quan hệ giữa bản thân với tiền bạc, với những vật chất xung quanh để tương lai không phải hối tiếc.
Kim Linh
Bình luận tiêu biểu (0)