Trong báo cáo sáng 8/9, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết bão Yagi đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại một số cơ sở hạ tầng viễn thông. Cụ thể, bảy tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh bị đứt. "Tuy nhiên, các sự cố không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc do đã có dự phòng", báo cáo viết. Cục cho biết các doanh nghiệp viễn thông đã khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và chuyển vùng (roaming) giữa các mạng.
Thông tin mới nhất từ VNPT, ngay sau khi có thông tin về bão Yagi và chủ trương chủ động ứng phó với cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng mạnh đến nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, Tập đoàn đã gấp rút lên các phương án, chủ động ứng phó với bão nhằm đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc tại các địa phương luôn được thông suốt, hỗ trợ tối ưu người dân và chính quyền.
Từ ngày 7/9, Tập đoàn VNPT đã phối hợp và triển khai chia sẻ sóng với các nhà mạng khác tại các tỉnh ảnh hưởng cơn bão số 3 phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão cho các cấp chính quyền và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Hàng trăm nghìn thuê bao di động mạng khác đã sử dụng sóng VinaPhone để duy trì liên lạc trong các ngày qua. VNPT cũng đã nhanh chóng triển khai ứng cứu máy phát điện, khôi phục đường truyền để khắc phục sự cố tại trạm phát sóng bị mất liên lạc. Hàng trăm nhân lực kỹ thuật cũng đã được điều động từ các tỉnh thành khác, kèm theo trang thiết bị, máy móc đến hỗ trợ cho địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3.
Trong suốt thời gian bão đổ bộ, tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng trực tiếp, VinaPhone cũng bố trí triển khai các điểm sạc pin tại các cửa hàng để phục vụ người dân đến 22h mỗi ngày. Trong các ngày 8-9/9/2024, đông đảo người dân đã đến các điểm giao dịch của VinaPhone tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... để lựa chọn hòa mạng VinaPhone nhằm duy trì liên lạc với người thân và gia đình, đảm bảo công việc được thông suốt.
Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão, VinaPhone đã triển khai ưu đãi hỗ trợ 100 phút gọi trong nước (nội/ngoại mạng), 15Gb Data cho các khách hàng trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 ở 6 tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội.
Với trách nhiệm của một Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ hàng đầu tại Việt nam, VNPT đã chú trọng đầu tư hạ tầng đường truyền dẫn viễn thông hạ ngầm vững chắc và mạng lưới viễn thông sâu rộng, đảm bảo năng lực duy trì liên lạc khi bão đổ bộ và khả năng khôi phục sự cố nhanh chóng khi bão đi qua, góp phần hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn nhanh chóng ổn định cuộc sống và hoạt động kinh doanh.
Về phía MobiFone, nhà mạng này cũng cho biết, đến hết ngày 8/9, MobiFone đã cơ bản khôi phục mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên...
Về phía Viettel, ngay sau khi có thông tin về bão, nhà mạng này đã bố trí lực lượng túc trực, cử các cán bộ nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão lũ tại 4 tỉnh dự kiến bị ảnh hưởng trực tiếp (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh). Nhà mạng cũng sắp xếp hơn 5.000 máy phát điện được trang bị cho 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão. Tất cả vị trí, địa điểm có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt đều có nhân sự túc trực, đảm bảo tài nguyên cơ điện, nhiên liệu để khắc phục sự cố khi cần. Viettel cũng đã chuẩn bị 51 link dự phòng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, bổ sung đường trục kết nối mạng Đông Bắc và Tây Bắc 2 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Trên 18 điểm xung yếu trục quốc gia, 49 điểm trục liên tỉnh, 268 trục liên huyện, Viettel cắt cử nhân sự trực ngày đêm, đảm bảo công dụng cụ vật tư cáp dự phòng.
Anh Nguyễn