Trong cuộc sống hiện đại đầy hối hả, nhiều giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam dường như đang dần bị lãng quên giữa làn sóng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, có những con người luôn âm thầm giữ gìn và hồi sinh những ký ức văn hóa xưa qua một lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan thông qua các món đồ nội thất.
Hành Trình Tìm Lại Ký Ức Qua Thiết Kế Đồ Nội Thất
Ở Việt Nam, mỗi vùng miền đều có những đời sống văn hóa phong phú từ kiến trúc nhà ở, cách bài trí nội thất, cho đến các vật dụng hàng ngày. Những hoa văn trên gỗ, những chiếc đèn lồng, hay những mảng tường lát gạch nung đỏ đều chứa đựng câu chuyện về những làng nghề thủ công, những biểu tượng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Thiết kế đồ nội thất không chỉ đơn giản là việc chế tác và tạo ra những sản phẩm hữu ích cho không gian sống, mà còn là câu chuyện của những cảm hứng văn hóa, lịch sử và truyền thống. Đối với những nhà thiết kế, đó còn là cách để lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa dân tộc qua từng chi tiết nhỏ. Từ chất liệu, hình dáng, cho đến hoa văn trang trí, tất cả đều có thể kể lên câu chuyện về lịch sử và truyền thống của người Việt. Chẳng hạn, các nhà thiết kế đã lựa chọn chất liệu sơn mài truyền thống cho các tác phẩm của mình.
Sơn mài, một kỹ thuật thủ công nổi tiếng của Việt Nam được khéo léo tích hợp vào các sản phẩm hiện đại, tạo nên sự sang trọng nhưng vẫn mang đậm hồn cốt của văn hóa dân tộc. Với các chi tiết tỉ mỉ và độ bóng của sơn mài, những chiếc ghế Queen Chair và King Chair không chỉ là món đồ nội thất mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Lấy cảm hứng từ sự đối xứng tinh tế và cân đối của những chiếc ghế cung đình triều Nguyễn, Với ngôn ngữ thiết kế vuông – tròn, chiếc ghế là sự hòa quyện giữa tính cứng cáp, mạnh mẽ của hình vuông với sự mềm mại, thanh thoát của hình tròn. Điều này tạo nên một sản phẩm vừa mạnh mẽ, quyền uy nhưng cũng đầy duyên dáng.
Đối lập với đó, mỗi chi tiết trên King Chair đều được tạo hình dựa trên tinh thần và phong thái của trang phục hoàng bào. Được tạo hình chủ yếu bằng các đường thẳng và khối vuông, chiếc ghế mang vẻ khỏe khoắn, vững chãi. Những đường nét dứt khoát, gọn gàng của chiếc ghế được thiết kế nhằm thể hiện sự mạnh mẽ và uy nghi, đồng thời giữ lại sự tối giản, hiện đại - một sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và thời đại.
Sáng Tạo Trên Nền Tảng Di Sản Văn Hóa
Việc kết hợp giữa giá trị văn hóa truyền thống và sự đổi mới sáng tạo không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, những nhà thiết kế đồ nội thất Việt Nam đã khéo léo mang hơi thở hiện đại vào trong từng sản phẩm mà không làm mất đi bản sắc riêng biệt của dân tộc. Những chiếc bàn, ghế, tủ, kệ không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn chứa đựng hồn cốt của cả một nền văn hóa.
Trong dòng chảy nghiên cứu về đời sống và không gian sống tại làng quê Việt, các nhà thiết kế nhận thấy chiếc chõng và chạn là những đồ vật đặc biệt, thể hiện được trí tuệ, lối sống của người Việt. Chạn là một vật dụng được ứng dụng các nguyên tắc về công thái học, vi khí hậu, tạo nên một sản phẩm dân gian vô cùng độc đáo và sâu sắc. Kế thừa giá trị đó, các nhà thiết kế Việt đã bóc tách tinh thần của chiếc chạn và đưa vào đó những cách thức tiếp cận mới mẻ. Chạn có tạo hình tách khối chính phụ nhưng vẫn giữ nguyên tỉ lệ cơ bản nhất của chiếc chạn dân gian (1 phần chân, 1 phần đợt nan hở, 2 phần tủ kín).
Bên cạnh đó là Chõng với thiết kế tỉ lệ dung dị và gần gũi, mang tới cảm giác thân thuộc. Ngôn ngữ thiết kế của chõng được tạo bởi các thanh gỗ trụ tròn, tiếp xúc với nhau nhằm mô phỏng tinh thần và cấu trúc liên kết của vật liệu tre. Với thiết kế này, các nhà thiết kế muốn tôn vinh cấu trúc liên kết gỗ bằng việc sử dụng hoàn toàn bằng mộng, các cấu kiện được tháo rời.
Bảo Tồn Văn Hóa Qua Đồ Nội Thất
Các sản phẩm đồ nội thất không chỉ dừng lại ở việc mang tính nghệ thuật hay tiện dụng, mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Với những người trẻ, việc tiếp cận và hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống thông qua đồ nội thất có thể gần gũi và thiết thực hơn nhiều so với việc tìm hiểu qua sách vở hay các công trình nghiên cứu.
Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế đồ nội thất giúp duy trì và phát triển bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Những sản phẩm này không chỉ mang lại vẻ đẹp cho không gian sống mà còn như một lời nhắc nhở rằng, văn hóa và lịch sử là những tài sản quý báu cần được gìn giữ và trân trọng.
Những nhà thiết kế đồ nội thất Việt Nam đang từng ngày góp phần vào công cuộc tìm lại và hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử đã bị lãng quên. Họ không chỉ tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, mà còn kể lên câu chuyện của cả một nền văn hóa, giúp mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng và cảm nhận những ký ức lịch sử ngay trong không gian sống của mình. Qua bàn tay tài hoa của họ, những "ký ức bị lãng quên" đã được tìm lại và tỏa sáng trong đời sống hiện đại đầy màu sắc và sự sáng tạo.
Ánh Lê