Theo báo Thanh Niên, trong dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thêm 2 nhóm không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng người lao động không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của luật Viên chức.
Cạnh đó, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức, người lao động hưởng lương hưu, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cũng không thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định hiện nay, có 2 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Như vậy, so với quy định hiện hành, cơ quan soạn thảo đã bổ sung 2 đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM, Bộ Tư pháp cho rằng các quy định liên quan đến sa thải người lao động được quy định cụ thể ở Bộ Luật lao động năm 2019 và các văn bản dưới luật. Đối với viên chức, Nghị định 112/2020 của Chính phủ đã quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát quy định nêu trên nhằm tuân thủ các nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh việc làm dụng trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu quan điểm, dù lý do bị sa thải cơ bản đến từ người lao động vi phạm kỷ luật lao động nhưng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thực tế không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng. Có thể kể đến "mánh khóe" đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được, ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm KPI, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc... để trừ phần lớn lương, thưởng của người lao động. Từ đó ép họ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi “giấu tay” như trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau về thông tin của người lao động khiến họ gặp khó khăn trong tìm công việc mới.
Theo pháp luật hiện hành, các hành vi kể trên của doanh nghiệp đều không vi phạm quy định pháp luật.
"Trong khi đó, dự thảo luật lại không cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn để tìm kiếm công việc mới là không bảo đảm mục đích của chính sách BHTN, đó là hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm...", lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay.
Đại diện Manpower Group Việt Nam, đề nghị xem xét quy định theo hướng người thất nghiệp là được hưởng, không phân biệt lý do. Dù bất kỳ lý do nào, khoản bảo hiểm này đều mang tính bù đắp cho khoản thu nhập bị mất do mất việc làm.
Thêm vào đó, trường hợp cơ quan soạn thảo quy định cụ thể lý do chấm dứt hợp đồng như sa thải, bị xử lý kỷ luật... sẽ làm hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động.
Trước những ý kiến trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cho biết quá trình tổng kết Luật Việc làm cho thấy một trong những hạn chế của pháp luật hiện hành là không loại trừ các trường hợp bị sa thải, xử lý kỷ luật vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa đúng với bản chất của BHTN, đó là hỗ trợ những người không may mất việc làm.
Thêm vào đó, dự luật sửa như trên nhằm phân biệt lý do chấm dứt hợp đồng lao động, loại trừ được các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty như phá hoại, tự ý bỏ việc... để thực sự hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro về việc làm.
“Vì vậy chúng tôi đề nghị giữ nguyên nhằm loại trừ các trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật, tránh trục lợi chính sách…”, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm.
Bình luận tiêu biểu (0)