"Việc VietQR ra đời và phát triển mạnh mẽ, MoMo cũng có nhiều lợi ích", CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ với chúng tôi về thị trường thanh toán số.
VietQR miễn phí, chuyển khoản nhanh, vì sao thị trường thanh toán còn cần ví điện tử?
Về câu hỏi "Tại sao mọi người vẫn cần ví điện tử?", CEO MoMo đưa ra 3 góc nhìn.
Góc nhìn đầu tiên là góc nhìn dữ liệu thông qua các nghiên cứu thị trường.
Theo báo cáo của Decision Lab Connected Consumer cuối năm 2023, ví điện tử đang có vị trí vững vàng trong lòng khách hàng về cả tỷ lệ thâm nhập (Penetration rate) và mức độ yêu thích (Preference rate).
"MoMo là nền tảng tài chính đứng vị trí số 1 rồi đến bank app rồi đến các ví điện tử khác. Việc ví điện tử vẫn được tin dùng bởi hàng chục triệu người dân Việt Nam cùng với tỷ lệ vượt trội như số liệu trên thì chắc chắn Ví điện tử phải cung cấp một giá trị gì đó. Vậy "giá trị đó là gì?"", ông Tường đặt vấn đề.
"Ví điện tử hay nói rộng ra là fintech và ngân hàng đều là các cấu thành không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính ở Việt Nam do mỗi thành phần của hệ sinh thái cung cấp những giá trị riêng biệt. Với những thành phần của hệ sinh thái, sẽ có những điểm chung và những điểm khác biệt".
Theo ông Tường, nếu chỉ nhìn vào điểm chung như cùng chuyển được tiền trực tuyến, chuyển tiền qua VietQR, cùng thanh toán được hóa đơn, cùng nạp tiền được điện thoại… mà kết luận không cần ví điện tử nữa thì cũng còn nhiều điểm chưa đầy đủ.
"Nếu như vậy thì tại sao có nhiều quán cà phê, có nhiều thương hiệu cà phê đến vậy trong khi cũng đều chỉ bán cà phê?"
"Starbucks nổi tiếng với câu nói "Chúng tôi không bán cafe mà bán trải nghiệm". Tương tự như vậy, trong hệ sinh thái tài chính mỗi fintech sẽ tập trung vào cung cấp các trải nghiệm riêng biệt và phù hợp với những nhóm khách hàng khác với các thành phần còn lại của hệ sinh thái", ông Tường nói.
Góc nhìn thứ hai ông Tường đưa ra là góc độ hệ sinh thái thanh toán. Theo đó, ví điện tử đóng vai trò kết nối các merchant chấp nhận thanh toán cho ngân hàng. Ví dụ như quán cà phê Starbucks, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, ứng dụng âm nhạc nổi tiếng Spotify… - các merchant không thể kết nối trực tiếp với hàng chục ngân hàng.
Do vậy, thông qua ví điện tử, khách hàng của ngân hàng có thể thanh toán được tại hàng trăm nghìn merchant, từ đó thúc đẩy việc chuyển dịch không dùng tiền mặt của xã hội, giúp các ngân hàng tăng CASA (Tiền gửi không kỳ hạn) do khách hàng không cần rút tiền mặt để chi tiêu.
"Quay lại VietQR, chúng ta cũng hiểu VietQR dán ở các merchant offline có một phần lớn là tự phát, tự dán để nhận tiền chuyển khoản sau khi các ngân hàng miễn phí chuyển tiền, tuy nhiên để thành một điểm chấp nhận thanh toán thì sẽ cần có sự hỗ trợ đăng kí cũng như hỗ trợ các nghiệp vụ thanh toán mà việc này được thực hiện đa phần bởi các fintech, ví điện tử", ông Tường lý giải.
Thứ ba, nhìn rộng ra về hệ sinh thái tài chính và các hệ sinh thái khác như TMĐT, ông Tường cho rằng các ví điện tử lớn đều đã dần dịch chuyển thành các siêu ứng dụng với khả năng cung cấp đa dịch vụ.
"VietQR phổ biến, tần suất khách hàng dùng app MoMo tăng lên rất nhiều"
Trước câu hỏi MoMo có lo ngại mất phân khúc các khách hàng nhỏ lẻ - những merchant chỉ có nhu cầu chuyển khoản (Account to Account) vốn ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán có chi phí thấp nhất và tiện nhất, ông Tường cho rằng việc dùng VietQR phần lớn là tự phát từ phía merchant sau khi các ngân hàng miễn phí chuyển tiền và merchant có một mã nhận tiền dễ dàng.
"Chúng tôi thấy đây là thuận lợi nhiều hơn là thách thức", ông Tường nói.
"Từ góc độ khách hàng, đối với các merchant trước đây chỉ dùng nhận tiền mặt do MoMo chưa kịp đến để cung cấp mã QR, bây giờ có VietQR nên khách hàng có thể dùng app MoMo để chuyển tiền thay vì tiền mặt. Với việc phổ biến VietQR, tần suất khách hàng dùng app MoMo tăng lên rất nhiều, giúp chúng tôi có nhiều điều kiện tương tác với khách hàng hơn để tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính, dịch vụ chuyên sâu hơn, giúp khách hàng chủ động tài chính và tiến gần hơn để tự chủ tài chính".
Từ góc độ của merchant (hộ kinh doanh, tiểu thương, nhà bán hàng), VietQR là mã QR để nhận tiền chuyển khoản. Ông Tường cho biết MoMo kết hợp mã VietQR với mã thành toán của MoMo thành QR Thanh Toán Đa Năng với những ưu điểm khác biệt. Ông Tường cho biết sản phẩm này đang rất được đón nhận từ các merchant.
"Gần đây, MoMo còn ứng dụng Gen AI vào mã QR Nhận Tiền để giúp các chủ shop, hộ kinh doanh có thể tạo mã QR độc đáo với logo, hình ảnh phù hợp với mặt hàng họ kinh doanh như trà sữa, trái cây, bún phở… Nhờ đó, những người dùng là hộ kinh doanh cá nhân có thể dễ dàng tạo bản sắc thương hiệu ngay trên mã QR Nhận Tiền với chi phí 0đ", ông Tường nói thêm.
Bên cạnh đó, MoMo cũng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho merchant như tính năng quản lý khách hàng, giới thiệu sản phẩm ngay trên di động hoàn toàn miễn phí để họ có thể làm quen và hiểu được giá trị của hệ sinh thái. Đồng thời thông qua việc trở thành điểm chấp nhận thanh toán MoMo, các tiểu thương cũng sẽ có khả năng tiếp cận được với những khoản vay chính thống phục vụ cho việc phát triển kinh doanh.
"Dưới góc nhìn tích cực, chính nhờ việc không ngừng đổi mới sáng tạo của các công ty Fintech và ví điện tử thì toàn bộ thị trường thanh toán đã có chuyển biến mạnh mẽ, các ngân hàng cũng được thúc đẩy bởi xu hướng này và kết quả là sự ra đời của VietQR. Và ngược lại, MoMo và các ví điện tử cũng được hưởng lợi từ VietQR cho việc giáo dục thị trường về thanh toán không dùng tiền mặt".
"Sau tất cả, điều quan trọng là khách hàng và thị trường được hưởng lợi nhiều nhất, đồng thời góp phần giúp Việt Nam ngày càng đến gần hơn với viễn cảnh trở thành một xã hội không tiền mặt", ông Tường đúc rút.