Bài viết của tác giả Phong Tử trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Tuần trước cô Vương Lâm, phụ huynh của bạn cùng bàn con gái tôi hỏi xin địa chỉ lớp học kỹ năng mềm cho trẻ. Tôi tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, thì ra Vương Lâm phát hiện con gái tôi học kỳ này đã thay đổi rất nhiều. Trước đây cô bé rất trầm lặng, không thích nói chuyện quá nhiều. Giờ đây con không những vui vẻ trò chuyện với người lớn mà còn chia sẻ rất nhiều kiến thức thú vị cho bạn học, thành tích học tập cũng tiến bộ vượt bậc.
Lúc này tôi mới vỡ lẽ, dù thực tế là hiện giờ con gái tôi chỉ còn tham gia 1 lớp học khiêu vũ chiều thứ 7. Suy ngẫm lại, có lẽ sự thay đổi của con bắt đầu từ hôm ngồi xem bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa với bố. Khi đó chồng tôi vô tình đưa ra một nhận xét về Thanh long yển nguyệt đao của Quan Vũ. Điều này đột nhiên khơi dậy sự hứng thú của con gái, 2 bố con bàn luận về bộ phim cả tiếng đồng hồ.
Ngay hôm sau con còn chủ động đi đọc sách để tiếp tục bàn luận với bố. Đó là dáng điệu chúng tôi chưa từng thấy bao giờ và cách con nói về chủ đề mình thích cũng hết sức rành mạch, ánh mắt say mê.
Từ đó, chúng tôi không còn ép con gái học quá nhiều nữa mà thay vào đó nói chuyện với con nhiều hơn mỗi ngày. Trước đây cuộc trò chuyện với con chỉ xoay quanh việc học và điểm số, nếu con có kể về những điều thú vị ở trường thì tôi hiếm khi lắng nghe một cách kiên nhẫn.
Nhưng nay tôi nhận thấy những cuộc trò chuyện về mọi chủ đề hàng ngày sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái xích gần nhau hơn. Tôi quan sát để hiểu hơn con gái thích thú với điều gì khi học tập và cố gắng cùng con trau dồi chính kiến thức về lĩnh vực đó.
Cả cha mẹ và con sẽ cùng nhau bàn luận, việc này khuyến khích trẻ suy nghĩ nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn, từ đó rèn luyện khả năng tư duy độc lập, dám thể hiện bản thân và cuối cùng là học cách tự mình giải quyết vấn đề. Chỉ từ 10 phút/ngày là đủ để thấy hiệu quả.
Tôi từng xem một chương trình về các thần đồng có chỉ số IQ ở Hàn Quốc, theo dõi cuộc sống hàng ngày từ đó khám phá ra bí quyết nuôi dạy đứa trẻ thông minh. Trong đó có một cậu bé họ Lee, chỉ mới 3 tuổi nhưng đã có thể giải thích nhiều hiện tượng khoa học, kể tên nhiều loại khủng long khác nhau. Cậu bé chưa đi học nhưng đã có thể đọc sách, bài kiểm tra ngôn ngữ của chương trình đặt ra cũng đạt điểm gần như tuyệt đối.
Sự xuất sắc của cậu bé Lee một phần nhờ cách giáo dục từ cha mẹ. Bố Lee luôn dành nửa tiếng đến cả tiếng đồng hồ để đọc sách truyện cho cậu từ rất sớm. Thấy Lee thích nói huyên thuyên không ngừng, bố mẹ không thấy khó chịu mà luôn kiên nhẫn trò chuyện với con. Từ đó vốn từ vựng của cậu bé được trau dồi, phát triển tính tò mò và khả năng hiểu biết hơn tuổi.
Gần đây tôi tình cờ đọc được nghiên cứu của Dana Suskind, Giáo sư Phẫu thuật và Nhi khoa Đại học Chicago (Mỹ). Nghiên cứu suốt 30 năm, bà phát hiện ra rằng địa vị kinh tế xã hội của cha mẹ không ảnh hưởng đến phẩm chất của con cái.
Trong khi đó, ngôn ngữ cha mẹ sử dụng khi trò chuyện với con cái sẽ quyết định năng lực xã hội trong tương lai của trẻ. Vì môi trường ngôn ngữ tốt có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh trong não trẻ. Nói cách khác, cha mẹ càng chăm trò chuyện thì con cái họ sẽ ngày càng thông minh hơn.
Nghiên cứu thứ 2 tôi đọc được là từ các nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Betty Hart và Todd Risley. Họ theo dõi các gia đình thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và phát hiện ra rằng những gia đình có con cái có thành tích học tập cao đều có điểm chung. Đó không phải điều kiện kinh tế ưu việt mà là phương pháp giáo dục từ gia đình, khi những bậc cha mẹ này vẫn trò chuyện với con một cách nhẹ nhàng và duy trì sự tương tác tốt với con.
Vậy nên tôi nhận ra với nhiều đứa trẻ, đôi khi cách giúp chúng phát triển về tư duy và sự ham học không nằm ở những lớp học thêm dày đặc ngoài giờ. Mà nằm ở chính cách giao tiếp của bố mẹ, những người “thầy” đầu tiên và lâu dài nhất của con cái. Sự quan tâm đồng cảm, khơi gợi cảm hứng và cùng đưa ra ý kiến sẽ là những chìa khoá tạo ra những cuộc trò chuyện chất lượng giữa phụ huynh và trẻ.
Bình luận tiêu biểu (0)