Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của chàng trai 28 tuổi về cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm đã nhận về nhiều lời khen.
Cụ thể, chàng trai này còn độc thập, kiếm được thu nhập hàng tháng là 27 triệu. Cuối năm, chàng trai còn nhận được tổng thưởng Tết và thưởng nhiều dịp khác là 50 triệu. Số tiền này được anh dùng để chi tiêu Tết.
Về tài sản, hiện chàng trai đang có khoản tiền nhàn rỗi 300 triệu và 1 miếng đất đứng tên mình.
Với tình hình thu nhập như vậy, anh chàng sẽ chỉ tiêu 16 triệu/tháng, còn lại dành 11 triệu để tiết kiệm.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải khen ý thức tiết kiệm cũng như cách quản lý chi tiêu của anh chàng. Đồng thời, họ cũng dành một số gợi ý để chàng trai dùng khoản tiền nhàn rỗi và quỹ tiết kiệm hàng tháng một cách hợp lý.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Cho mình xin vía với ạ. Mình hơn bạn 1 tuổi mà giờ mình mới dư được có 4 chỉ vàng thôi. Mình đang cố gắng phấn đấu năm sau để có thể hùn vốn cùng gia đình mua 1 mảnh đất. Mình thì cũng mới học đầu tư mà thấy an toàn nhất là đất (bạn có rồi), vàng và gửi tiết kiệm ngân hàng thôi (dù lãi suất hơi thấp), chứ đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ,... đều rủi ro lắm".
- "Còn trai trẻ tuổi độc thân mà biết chi tiêu, tiết kiệm giỏi quá. 300 triệu này em canh vàng hạ khoảng 81, 82 triệu rồi mua tích lũy dần, được nhiều vàng rồi gom lại mua đất hoặc sau có thể chung vốn đầu tư, kinh doanh gì đó. Và nên sắm cho bản thân 1 gói bảo hiểm nhân thọ nữa, để khi ốm đau cũng không lo số tiền mình đã tích lũy được bị hao hụt đồng nào".
- "28 tuổi mà biết tiết kiệm vậy là khéo rồi. Em nên tham khảo 1 kế hoạch bảo hiểm (đề phòng ốm đau, bệnh tật, tai nạn) khoảng 10% thu nhập 1 năm. Số còn lại tìm hiểu đầu tư chứng chỉ quỹ. Đây là một cách vừa bảo vệ tài chính, vừa đầu tư có lời".
- "Sau này ai lấy được bạn này thì chắc vui lắm. Là con trai nhưng biết lo xa và vun vén khéo rồi".
- "Phần thưởng Tết có thể tiết kiệm được bạn ơi. Cho bố mẹ và lì xì em chắc tầm 8-10 triệu. Liên hoan bạn bè lì xì cháu họ hàng tầm 5 triệu nữa thôi. Còn đâu bạn để tiết kiệm lại. Đi cafe thì hạn chế chút. Chỉ uống khi có công việc thực sự cần ngồi, còn ngồi để chill chill thì có thể cắt. Bạn có thể tăng thêm phần thể dục thể thao. Tự chạy bộ hoặc kiếm phòng gym rẻ gần chỗ trọ. Cái này là tính sức khoẻ đường dài ạ".
Cách để xây dựng sự giàu có ngay từ hôm nay
Làm sao để gia tăng tài sản và đạt tự do tài chính là những điều mà người trẻ bận tâm. Chelsea Ransom-Cooper, CFP tại Zenith Wealth Partners ở New Jersey, chia sẻ với CNBC Make It rằng: “Bước đầu tiên để tạo dựng sự giàu có là bắt đầu hình thành những thói quen tốt nhằm duy trì sự nhất quán với các kế hoạch tiết kiệm và đầu tư của bạn”.
Sau đây là ba thói quen mà bạn có thể bắt đầu ngay để có thể tạo dựng sự giàu có.
- Theo dõi chi tiêu
Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, việc theo dõi số tiền bạn cần chi cho những thứ thiết yếu và số tiền bạn chi cho mọi thứ khác là một bước quan trọng để đạt được hầu hết mọi mục tiêu tài chính.
Billy Hatton, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận có trụ sở tại Los Angeles, chia sẻ với CNBC Make It rằng: “Mặc dù việc đầu tư hàng tháng tháng có thể mang lại lợi nhuận theo thời gian, nhưng chi tiêu không kiểm soát có thể dễ dàng khiến mọi tiến triển bạn đạt được bằng cách tích luỹ từng chút một trở nên vô ích”.
Để bắt đầu sống tiết kiệm, bạn không cần phải theo dõi từng ngàn đồng mình chi tiêu hoặc cắt giảm đáng kể nhiều khoản chi. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi ích của tiền lương kiếm được, bạn cần có hiểu biết cơ bản về việc mình đang chi tiền vào việc gì.
- Duy trì quỹ khẩn cấp
Nếu có một điều chắc chắn khi nói đến tiền bạc thì đó là bạn sẽ gặp phải những bất ngờ về tài chính - có thể là nhiều lần trong suốt cuộc đời.
Đôi khi chúng tương đối nhỏ, như bị xịt lốp xe. Những trường hợp khác, như mất việc, có khả năng thay đổi đáng kể bức tranh tài chính của bạn. Cũng vì thế, hãy bắt đầu dành ra một khoản tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp.
Will Kellar, CFP, đối tác và cố vấn chính tại Human Investing, chia sẻ với CNBC Make It rằng: “Quan niệm thông thường cho rằng nên dành ra khoản tiền tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt cho quỹ khẩn cấp. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì ủng hộ quan điểm rằng bất kỳ số tiền nào được cho vào quỹ này cũng tốt hơn là không có gì”.
- Đầu tư cho tương lai
Một quan niệm sai lầm phổ biến là bạn cần phải giàu có để kiếm tiền thông qua đầu tư. Thời gian đầu tư vào thị trường gần như có giá trị như số tiền bạn bỏ ra, vì vậy, bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Đúng là số tiền đầu tư của bạn càng lớn thì lợi nhuận khi bắt đầu tăng lên càng lớn. Nhưng những khoản đóng góp nhỏ, đều đặn có thể tăng lên thành số tiền lớn theo thời gian khi bạn đầu tư sớm so với việc chỉ tiết kiệm tiền, nhờ vào sức mạnh của lãi kép.
Giống như bất kỳ thói quen nào, việc đầu tư thường xuyên cũng cần có thời gian và sự lặp lại để thực sự duy trì. Vì vậy, ngay cả khi bạn chỉ bắt đầu đầu tư với số tiền nhỏ, việc hình thành thói quen đó cũng là một bước khởi đầu tốt.
Nguyệt