Cô gái trẻ tên Trương Nghệ (27 tuổi), sống và làm việc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, đã đến Khoa Ngoại của Bệnh viện Hợp Phì để khám bệnh do xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, khoảng một tháng trước, cô bị thương và đã đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Kết quả chụp CT cho thấy cô có sỏi thận. Tuy nhiên, Trương Nghệ không lo lắng vì nghĩ rằng không có cảm giác đau đớn đồng nghĩa với bệnh chưa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vào ngày 25/8, Trương Nghệ đột nhiên cảm thấy bụng chướng và đau dữ dội ở vùng bụng cũng như thắt lưng. Tình trạng này kéo dài liên tục trong ba ngày mà không giảm, khiến cô phải quay lại Bệnh viện Hợp Phì để thăm khám. Kết quả kiểm tra cho thấy cô mắc bệnh thận ứ nước, nguyên nhân là do không điều trị kịp thời sỏi thận và sỏi niệu quản, dẫn đến bệnh tiến triển nghiêm trọng.
Bác sĩ Hồ Ân Quang, người trực tiếp điều trị, cho biết: “Cả hai bên thận của bệnh nhân đều bị ứ nước. Kết quả chụp CT phát hiện có tổng cộng 4 viên sỏi trong cả hai bên niệu quản, và một bên thận cũng phát hiện sỏi.” Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân nhập viện để thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi. Sau phẫu thuật, sức khỏe của Trương Nghệ đã hồi phục.
Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có thói quen sử dụng đồ uống có đường thay cho nước lọc. Trương Nghệ chia sẻ: “Tôi có thói quen uống trà sữa và nước ngọt có ga mỗi ngày. Tôi bắt đầu uống từ khi học lớp 3 vì không thích nước lọc, thấy nó vô vị. Sau này, khi trưởng thành, tôi vẫn tiếp tục uống trà sữa và nước ngọt, khiến lượng nước lọc tôi uống rất ít.”
Dù đã nhận được lời khuyên từ người thân và bạn bè về việc giảm uống nước ngọt và trà sữa, Trương Nghệ vẫn không thay đổi thói quen này. Bác sĩ Hồ Ân Quang giải thích: “Đồ uống có đường, như nước ngọt có ga, chứa nhiều đường và phốt pho, thúc đẩy cơ thể bài tiết canxi nhiều hơn, từ đó tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.”
Ngoài ra, bác sĩ cũng cảnh báo về trà sữa, trong một số loại trà có chứa oxalate, chất này dễ tích tụ trong thận. Khi cơ thể dư thừa oxalate, nó sẽ kết tinh với canxi, tạo thành sỏi thận và niệu quản. Việc lười uống nước cũng góp phần gây ra mất nước mạn tính, khiến nước tiểu cô đặc, làm các khoáng chất không được đào thải ra ngoài và kết tinh thành sỏi.
Theo bác sĩ, sỏi thận và sỏi niệu quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh thận ứ nước. Trong trường hợp của Trương Nghệ, nếu không được phẫu thuật tán sỏi kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng thận và có thể dẫn đến suy thận.
Dưới đây là những loại đồ uống phổ biến có thể đang âm thầm phá hủy thận của bạn. Nếu bạn vẫn đang uống chúng mỗi ngày thì hãy từ bỏ thói quen này sớm để bảo vệ sức khỏe.
Bia, rượu và đồ uống có cồn
Không tốt cho chức năng gan mà cả thận. Uống bia rượu thường xuyên khiến thận phải làm việc quá tải để đào thải độc tố, gây suy giảm chức năng thận. Một số trường hợp có thể phát sinh đợt suy thận cấp tính.
Nước ngọt có ga
Dù có thể tạm thời giải tỏa mệt mỏi về tinh thần, nhưng đồ uống có ga thường chứa lượng đường rất cao, ảnh hưởng xấu đối với cơ thể.
Uống nhiều nước ngọt có ga sẽ dẫn đến sự xuất hiện của bệnh béo phì, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây bệnh gout, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, việc tiêu thụ thường xuyên những đồ uống có ga sẽ gây mòn răng, gây ra các vấn đề về thận, chẳng hạn như tăng axit uric máu và nhiều bệnh nghiêm trọng khác. Uống nhiều đồ uống có ga tuy ngon miệng nhưng lại là con đường siêu ngắn dẫn tới suy thận. Do vậy hãy từ bỏ thói quen này sớm để bảo vệ sức khỏe nói chung và thận nói riêng.
Nước tăng lực
Những loại nước tăng lực chứa lượng lớn caffeine (chất giúp tinh thần tỉnh táo, tập trung) gấp nhiều lần so với trà và cà phê. Nước tăng lực cũng chứa nhiều đường. Do đó, uống thường xuyên khiến thận phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tổn thương, khiến bệnh thận tiến triển.
Nước để qua đêm
Nước để qua đêm tưởng chừng không có nhiều tác hại nhưng nếu thường xuyên uống loại nước này thì rất có thể bạn đã ăn phải rất nhiều vi khuẩn vào cơ thể.
Nguyên nhân là vì sau khi đun và đun sôi nước, một phần clo có trong nước đã được loại bỏ. Mà clo thường được dùng để khử trùng trong nước, vì vậy nước qua đêm chính là môi trường để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Uống vào sẽ gây hại cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Trà đặc
Trà xanh là thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên nếu uống sai cách thì cũng gây ra những hậu quả khôn lường. Một trong số đó là thói quen uống trà đặc của nhiều người.
Trà đặc chứa nhiều florua, nếu uống thường xuyên có thể gây hại cho thận bởi thận là cơ quan đảm nhiệm vai trò bài tiết florua ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể nạp lượng Florua quá lớn và tích trữ quá nhiều có thể sẽ gây tổn thương vỏ thận, ống tủy.
Bên cạnh đó, thói quen uống trà sau khi uống rượu sẽ càng thêm gây hại cho thận. Nguyên nhân là vì trà đặc chứa nhiều theophylline có tác dụng lợi tiểu. Khi trà và rượu cùng đi vào thận một lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, gây tổn thương cho cơ quan này.
Trà sữa
Trà sữa là thức uống khoái khẩu của nhiều bạn trẻ. Không chỉ có vị ngọt, béo mà loại đồ uống này còn có nhiều hương vị khác nhau, vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại thức uống thơm ngon này lại có nhiều tác hại nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Nguyên nhân là vì khi uống nhiều thức uống này đồng nghĩa với việc bạn đang nạp nhiều calo vào cơ thể, dễ dẫn tới tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, trà sữa chứa lượng đường lớn hơn nhiều lần so với nhu cầu của cơ thể. Nếu hấp thụ quá nhiều đường có thể sẽ làm đường huyết tăng cao. Đặc biệt, đường fructose trong trân châu có thể làm tăng mức độ axit uric, tăng gánh tặng cho thận, rất nguy hiểm đối với người có axit uric cao. Vì vậy, nếu có trót đam mê thức uống bổ béo này thì cũng nên hạn chế uống để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của bạn.
Bình luận tiêu biểu (0)