Ngày 19/7/2024, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai có công văn số 700/ĐĐ - ƯPKP đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tham mưu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố việc ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 20 - 21/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 40-100mm, cục bộ có nơi hơn 150mm.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung:
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thường xuyên báo cáo về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện áp thấp nhiệt đới đang ở giai đoạn mới hình thành và có thể thay đổi về hướng đi và cường độ.
Hồi 1h ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.
Đến 1h ngày 21/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đến 1h ngày 22/7, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 10-15 km/h. Vị trí tâm bão nằm trên vùng biển phía Bắc Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 24 - 27/7, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2-4m. Trong khi đó, các tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên tiếp tục duy trì mưa dông kèm lốc sét, gió giật mạnh.
Qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín (Thủ đô Hà Nội).
Trong sáng nay, vùng mây này gây mưa cho khu vực kể trên, sau đó di chuyển dần lên phía Bắc và sẽ lan sang các quận/huyện thuộc nội thành Hà Nội; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.