Càng gần Tết Nguyên Đán, nhu cầu vàng mã phục vụ đời sống tâm linh của người Việt lại càng tăng cao. Đây cũng là mùa bội thu của các doanh nghiệp kinh doanh vàng mã. Riêng trong 3 tháng cuối dương lịch năm 2023, dù chưa phải cao điểm nhưng một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã ghi nhận doanh thu cải thiện mạnh, lợi nhuận thu về hàng chục tỷ.
Tại CTCP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái (mã CAP), theo BCTC quý 1 niên độ 2023-24 (từ ngày 1/10/2023-31/12/2023), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 186 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 24% xuống 16%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 30 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, CAP lãi sau thuế 14 tỷ đồng, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ niên độ trước.
Trong niên độ 2023 - 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 560 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và lãi sau thuế kỳ vọng đạt ít nhất 70 tỷ đồng, giảm 39%. Như vậy sau quý 1, công ty đã hoàn thành 33% kế hoạch doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận.
Trước đó, CAP đã có một niên độ kinh doanh đầy khởi sắc. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 611 tỷ đồng, qua đó lập đỉnh lợi nhuận mới với lãi sau thuế 114 tỷ. Trong các mảng kinh doanh của công ty niên độ 2022-23, tinh bột sắn vẫn là mặt hàng mang lại doanh thu lớn nhất với 404 tỷ đồng, tăng 5% so với năm ngoái. Mảng giấy đế và vàng mã lần lượt đem về 191 tỷ và 68 tỷ đồng. Lợi nhuận từ bán vàng mã ghi nhận hơn 13 tỷ, kinh doanh giấy đế lãi 73 tỷ và tinh bột sắn lãi 90 tỷ.
Trên sàn chứng khoán, ngoài CAP còn một số doanh nghiệp khác như Hapaco (mã HAP), Fishipco (mã FSO) cũng có mảng kinh doanh vàng mã. Tuy nhiên, CAP vẫn là cái tên được "săn đón" nhiều nhờ kết quả kinh doanh ổn định và cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao lên đến hàng chục % hàng năm.
Hiện tại, cổ phiếu CAP đang dừng ở mức 78.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 45% so với thời điểm đầu năm 2023. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 787 tỷ đồng.