Xuất phát từ tình yêu với trẻ
Bá Thước là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Trước thềm 20/11, ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, câu chuyện đặc biệt về những người thầy giáo mầm non ngày ngày nuôi dạy trẻ ở huyện vùng cao này đã lan tỏa tình yêu và sự tôn vinh với sự nghiệp trồng người, góp phần xóa nhòa định kiến giới.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước cho hay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 62 thầy là giáo viên mầm non. Riêng huyện Bá Thước có lượng giáo viên mầm non là nam, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện nay là 18 thầy.
Khó khăn ở bậc mầm non không chỉ là dạy, mà còn phải nuôi dưỡng và chăm sóc từng việc nhỏ từ ăn, ngủ, chải tóc, quần áo, vệ sinh cho các cháu... Việc nào cũng cần giáo viên phải theo sát, vì vậy, các thầy cần hội tụ nhiều yếu tố như chịu khó, ân cần, kiên nhẫn, khéo léo để gần gũi và nuôi dạy trẻ, như những người cha tận tụy trong gia đình.
Nói về những thử thách ban đầu với nghề, thầy Bùi Văn Anh, 5 năm công tác ở Trường Mầm non Hạ Trung chia sẻ: "Ngày trước đi học, các bạn trêu mình là bông hoa kỳ dị nhất. Có người thì hỏi, sao đàn ông sức dài, vai rộng lại đi chọn cái nghề này. Nhưng với mình, chỉ cần cái tâm mình trong sáng, tâm của mình yêu thương trẻ giống như với con của mình, thì mình yêu công việc, muốn được gắn bó với nó”.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc trẻ, thầy Anh nói, khó khăn nhất ở cấp mầm non là khi phải dỗ các bé. “Mình phải định hình được, quan sát được cháu nào dỗ được nhanh nhất thì mình phải cho cháu đó nín đi. Còn cháu nào khó nhất phải để sau. Chứ lại không được dỗ cháu khó nhất. Đó là kinh nghiệm", thầy Anh nói.
Còn thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn thì đã có dịp nhớ lại câu chuyện dở khóc dở cười 17 năm trước.
"Khi đăng ký dự thi, tôi vào phòng thi, liền bị giám thị đuổi ra ngoài. Chắc là giám thị tưởng là các thành phần nào ở ngoài đi vào phòng thi để quấy rối. Lúc đấy, tôi phải lấy thẻ dự thi ra thì giám thị hành lang mới cho vào", thầy Quân nhớ lại.
Cho đến khi vào nghề, tôi cũng nhận được nhiều lời trêu chọc, chế giễu của người ngoài, thậm chí những ánh nhìn nghi ngại của phụ huynh.
"Đa số mọi người chỉ quen gọi giáo viên mầm non là cô giáo, và mặc định đây là công việc của nữ. Mình là một người nam, mình lại làm công việc này thì trẻ sẽ gọi mình thế nào? Nhiều người họ hỏi như thế thì tôi cũng xin trả lời thẳng là: mình cũng phải hướng cho các cháu là gọi mình bằng thầy, chứ nhiều trẻ cũng nhầm lẫn nó gọi mình bằng cô đấy", thầy Quân hóm hỉnh nói.
Dạy cấp học nào cũng đáng được tôn vinh
Còn thầy giáo Lương Văn Sắng, người có thâm niên 33 năm công tác ở Trường Mầm non Văn Nho thì cho biết, hơn 30 năm trước, vùng cao Bá Thước còn rất nghèo khó. Rất nhiều người đang còn thất học, đặc biệt là các cháu ở lứa tuổi mẫu giáo chưa hề được đi học. Điện, đường, trường trạm không có, giáo viên lên vùng cao rất ít, không giống như bây giờ. Tìm một người dạy mầm non hay cấp 1, cấp 2 rất khó. Chính vì vậy, thầy phải bắt tay vào để nuôi dạy các cháu. Dù dạy ở cấp nào đi nữa, cũng là công việc đáng được tôn vinh.
Nhiều gia đình nghèo còn thuộc diện khó khăn, các thầy phải vất vả đến tận nhà để vận động và giúp đỡ để đưa nhiều bé đến lớp. Điều đó khiến nhiều phụ huynh thêm tin yêu các thầy hơn.
Cô giáo Phạm Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Tân, huyện Bá Thước cho biết, nhiều gia đình cho con vào lớp có thầy giáo sợ thầy giáo không chăm được, sợ thầy giáo chăm không cẩn thận; cũng có người lên nói chuyện với Ban giám hiệu muốn đổi lớp. Nhưng rồi từ hành động nhỏ như các thầy giáo nhắc nhở phụ huynh cho con đi tất để đảm bảo sức khoẻ đã khiến họ cảm nhận được tấm lòng của các thầy. Thấy thế, các phụ huynh không còn ai dị nghị mà càng thêm tin yêu. Chính việc làm của các thầy đã xóa bỏ được cái định kiến của xã hội về việc giáo viên mầm non là nam giới.
“Các thầy nhiệt tình, chịu khó giống như chị em. Bên cạnh đó, các thầy còn có một thế mạnh là đấng nam nhi nên những việc nặng, những việc khó mà chị em không thể làm được thì các thầy lại làm được”, cô Dung nói.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước đánh giá, các thầy giáo luôn yêu nghề, yêu trẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là huyện có số giáo viên nam ở bậc học mầm non nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa.
“Việc có các thầy giáo tham gia dạy ở mầm non góp phần nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục, dần xóa bỏ định kiến về giới”, ông nói thêm.
Bình luận tiêu biểu (0)