Bà Lưu (75 tuổi, Trung Quốc) có 4 người con, 2 trai 2 gái. Trước đây bà vẫn luôn tin rằng nếu nuôi được 4 đứa con khôn lớn, sau này tuổi già không cần lo lắng khi có chỗ dựa vững chắc. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Khi các con thành đạt, họ đều lần lượt rời xa vợ chồng bà. Ba người lên tỉnh làm ăn còn cô con gái lớn nhất cũng lấy chồng sớm, chẳng mấy khi về thăm cha mẹ. Các con mải chăm lo gia đình nhỏ, đến Tết cũng ít khi sum họp nên vợ chồng bà Lưu rất phiền lòng.
Bà Lưu và chồng chỉ cảm thấy yên tâm phần nào vì ngoài việc góp tiền mua nhà cho 2 con trai thì không phải lo chăm cháu hộ các con. Do vợ chồng bà khi ấy vẫn còn công tác tại đơn vị nên việc bế cháu hộ các con không thuận tiện. Đôi lúc bà băn khoăn: "Không biết có phải vì các con cảm thấy sự giúp đỡ của cha mẹ quá ít không mà càng lớn tuổi chúng càng ít quan tâm chúng tôi".
Vợ chồng người phụ nữ này ốm đau nằm viện đều tự chăm sóc nhau, cảm thấy việc muốn dựa dẫm vào con cái như mong trúng số, tuỳ may rủi và tâm trạng các con. Sau khi chồng bà Lưu đột ngột qua đời, không người con nào nhận chăm sóc nên bà sống một mình, cố gắng ăn uống lành mạnh và tập thể dục để tốt cho sức khoẻ bản thân.
Thế nhưng vì tuổi cao sức yếu, năm 70 tuổi bà Lưu bắt đầu mắc viêm khớp, cao huyết áp, mắc cả bệnh tim mạch. "Thỉnh thoảng các con mới quan tâm đến sức khoẻ và quay về thăm tôi, còn lại là do tôi phải tự lực hết", người phụ nữ này bộc bạch.
Mùa hè năm ngoái bà phải trải qua một căn phẫu thuật nhỏ nên phải ở lại bệnh viện theo dõi gần cả tuần. Bệnh viện yêu cầu phải có 1 người ở cùng để chăm sóc nên bà Lưu muốn nhờ các con thay phiên nhau vào. Cụ bà hụt hẫng khi không người con nào chịu vào viện. Con trai nói phải đi làm không xin phép được, con dâu lấy lý do phải chăm cháu nhỏ, con gái chỉ đáp lại rằng mình không có thời gian.
Nhìn những bệnh nhân khác có con cái sum vầy chăm sóc, bà có phần tủi thân và ghen tỵ với họ. Khi người giường bên hỏi lý do vì sao lại nhập viện một mình, bà Lưu chỉ nói mình bí mật giấu các con đi phẫu thuật vì không muốn người nhà lo lắng. Bà nói xong những lời này mà lặng lẽ rơi nước mắt vì cảm thấy quá khó để giả vờ mạnh mẽ những lúc bệnh tật.
Ngày bà Lưu phẫu thuật, y tá tìm cho bà một điều dưỡng, giúp lau vết mổ, nấu ăn, mua đồ nhưng hậu phẫu bà tự thấy có thể chăm sóc được bản thân. Nghe lời phàn nàn của con dâu giường bên về việc cụ bà bắt các con xin nghỉ phép để chăm sóc mình, bà nghĩ nếu bản thân bắt các con làm vậy, có thể chúng cũng sẽ oán trách sau lưng mình.
Sau khi xuất viện, cụ bà tự lên một kế hoạch cho tuổi già của mình để chắc chắn có thể tự bản thân sống tốt. "Tôi không còn mong con cái phải hiếu thảo để phụng dưỡng mình nữa vì càng mong đợi nhiều, càng dễ thất vọng hơn. Ngẫm ra điều này, lòng tôi nhẹ nhõm hơn sau rất nhiều năm", bà Lưu cho biết.
Người phụ nữ này quyết định bán căn nhà hơn 100m2 của mình, nằm ở khu đô thị nên được định giá có thể hơn 1 triệu NDT (tương đương 3,3 tỷ đồng). Bà còn có khoản tiết kiệm 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng), lương hưu hàng tháng hơn 6.800 NDT (hơn 22 triệu đồng). Với số tiền này, dù chọn viện dưỡng lão hay thuê bảo mẫu cho người già, bà đều có thể sống thoải mái tự do đến cuối đời.
Khi cụ bà thông báo sẽ bán nhà để vào viện dưỡng lão, các con đột nhiên sốt sắng gọi điện lo lắng hỏi thăm, ngày nghỉ cũng vượt đường xa về thăm. Người phụ nữ này nhận thấy đều có tham vọng với tài sản và nhà cửa nên tránh nói tới việc sẽ chia tài sản thế nào. Bà nghĩ đến phần còn lại cuộc đời được định sẵn trong tay mình, như vậy mới đúng là an dưỡng tuổi già.
Dưới bài đăng này chia sẻ về câu chuyện của bà Lưu, nhiều chia sẻ họ biết mình vẫn cần chăm sóc con cái nhưng tự nhủ sẽ sống lành mạnh để về già có sức khoẻ thật tốt, có tài khoản tiết kiệm để "chừa cho mình 1 đường lui", không dựa vào con cái vẫn tự bản thân hạnh phúc.
Bình luận tiêu biểu (0)